Việt Nam có lợi gì khi tham gia ký kết CPTPP?
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ ký Hiệp định này.
Sau lễ ký, Tổng thống Chile Michelle Bachelet tuyên bố Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết là một cam kết về sự hội nhập và là một tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Theo Tổng thống Chile, sự ra đời của CPTPP sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các nước tham gia là thông điệp gửi tới tất cả các nước muốn giới hạn thương mại và làm giảm đi những cơ hội phát triển của các nước khác.
Thỏa thuận tự do thương mại CPTPP được khởi động cách đây 1 năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017 cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết. Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Trao đổi với các cơ quan báo chí bên lề lễ ký kết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định với việc CPTPP được ký kết, các quốc gia thành viên nhận được không chỉ là những lợi ích trước mắt và đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các rào cản quan thuế cũng như một số lĩnh vực khác, mà vấn đề cơ bản là những động lực mà hiệp định này sẽ mang lại cho sự phát triển của mỗi nước về các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết tất cả các quốc gia thành viên đều đánh giá rất cao chất lượng của hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này cho dù không còn có nền kinh tế lớn là Mỹ tham gia.
Đề cập đến ý nghĩa của việc tham gia CPTPP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền rất cao trong các hoạt động chính trị đối ngoại, cũng như kinh tế, việc Việt Nam tham gia ký kết CPTPP cũng chính là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác.
Trên thực tế, trong bối cảnh tình hình toàn cầu đang diễn biến còn phức tạp, mặc dù dòng chảy chính vẫn là tự do hóa thương mại nhưng cũng đã có những dấu hiệu rất rõ ràng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa biệt lập, đang cản trở và tác động không thuận lợi đến dòng chảy của toàn cầu hóa.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tham gia CPTPP là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục thực thi một cách rất quyết tâm và nhất quán chủ trương và chiến lược của Đảng, cũng như chính sách của Nhà nước trong hội nhập một cách chủ động, sâu rộng.
Trong thời gian vừa qua, với những bài học kinh nghiệm quý báu và những thành quả đạt được trong việc mở cửa nền kinh tế, thực hiện chủ động hội nhập, chúng ta có cơ sở, có niềm tin trong chiến lược hội nhập sắp tới.
Vì vậy, CPTPP có thể nói là biểu hiện ở mức độ mới, trình độ mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP
KHẲNG ĐỊNH LẠI các vấn đề đã được thể hiện trong lời mở đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ký tại Auckland ngày 4 tháng 2 năm 2016 (sau đây gọi là “Hiệp định TPP”);
HIỆN THỰC HÓA nhanh chóng các lợi ích của Hiệp định TPP thông qua Hiệp định này và tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của các lợi ích đó;
ĐÓNG GÓP nhằm duy trì mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại thế giới và tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho người dân thuộc mọi mức thu nhập và hoàn cảnh kinh tế;
THÚC ĐẨY hơn nữa hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực giữa các Bên;
TĂNG CƯỜNG cơ hội thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực;
KHẲNG ĐỊNH LẠI tầm quan trọng của việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bản sắc và sự đa dạng văn hóa, bảo vệ và bảo tồn môi trường, bình đẳng giới, quyền lợi của người bản địa, quyền lao động, thương mại, phát triển bền vững, tri thức truyền thống, cũng như tầm quan trọng của việc bảo lưu quyền quản lý của mình vì các lợi ích công cộng;
HOAN NGHÊNH các quốc gia hoặc các lãnh thổ hải quan riêng biệt tham gia Hiệp định này;
ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:
Điều 1: Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
1. Các Bên theo đây nhất trí rằng, theo các điều khoản của Hiệp định này, các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ký tại Aukland ngày 4 tháng 2 năm 2016 (“Hiệp định TPP”) được tích hợp, bằng cách tham chiếu, vào thành một phần của Hiệp định này với những sửa đổi phù hợp, ngoại trừ Điều 30.4 (Gia nhập), Điều 30.5 (Hiệu lực), Điều 30.6 (Rút khỏi) và Điều 30.8 (Lời văn xác thực).[1]
2. Vì mục đích của Hiệp định này, các dẫn chiếu tới ngày ký trong Hiệp định TPP được hiểu là ngày ký Hiệp định này.
3. Trong trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa Hiệp định này với Hiệp định TPP thì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, Hiệp định này sẽ được ưu tiên áp dụng ở mức độ khác biệt đó.
Điều 2: Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản
Tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực, các Bên sẽ tạm đình chỉ thực hiện các điều khoản quy định tại Phụ lục của Hiệp định, cho đến khi các Bên đồng ý kết thúc việc tạm đình chỉ thực hiện một hay nhiều hơn các điều khoản đó[2].
Điều 3: Hiệu lực
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50 phần trăm số nước ký kết của Hiệp định, tùy trường hợp nào cho giá trị nhỏ hơn, thông báo cho Cơ quan lưu chiểu bằng văn bản rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.
2. Đối với bất kỳ nước ký kết nào của Hiệp định này mà với nước đó Hiệp định chưa có hiệu lực theo khoản 1, Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nước ký kết đó thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.
Điều 4: Rút khỏi Hiệp định
1. Bất kỳ Bên nào đều có thể rút khỏi Hiệp định này bằng cách gửi thông báo bằng văn bản tới Cơ quan lưu chiểu. Bên rút khỏi Hiệp định sẽ đồng thời thông báo cho các Bên khác về việc rút khỏi Hiệp định thông qua các đầu mối chung được chỉ định tại Điều 27.5 (Đầu mối liên lạc) của Hiệp định TPP.
2. Việc rút khỏi Hiệp định sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ khi một Bên gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu theo khoản 1, trừ khi các Bên đồng ý về một khoảng thời gian khác. Nếu một Bên rút khỏi Hiệp định, Hiệp định này vẫn có hiệu lực với các Bên còn lại.
Điều 5: Gia nhập
Kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể gia nhập vào Hiệp định này, theo các điều khoản và điều kiện được thống nhất giữa các Bên của Hiệp định với quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt đó.
Điều 6: Rà soát Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Bên cạnh Điều 27.2 của Hiệp định TPP (Các chức năng của Ủy ban), nếu việc có hiệu lực của Hiệp định TPP sắp xảy ra hoặc nếu Hiệp định TPP có xu hướng không thể có hiệu lực, các Bên, theo yêu cầu của một Bên, sẽ rà soát việc vận hành của Hiệp định này nhằm xem xét bất kỳ sự sửa đổi nào đối với Hiệp định này và các vấn đề có liên quan.
Điều 7: Các lời văn xác thực
Các lời văn bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp của Hiệp định này có giá trị xác thực như nhau. Trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự không thống nhất nào giữa các lời văn này, lời văn tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng.
Để làm chứng những người ký tên dưới đây, được ủy quyền chính thức bởi Chính phủ tương ứng của mình, đã ký Hiệp định này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh