Việt Nam - Colombia: Nhiều tiềm năng hợp tác
Đó là nhận định của bà Patti Londono Jaramillo, Thứ trưởng Ngoại giao Colombia tại cuộc trao đổi với phóng viên trong chuyến thăm tới Việt Nam vừa qua.
Bà có thể chia sẻ với bạn đọc của chúng tôi về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Colombia trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại?
Colombia và Việt Nam bắt đầu xây dựng quan hệ cấp đại sứ vào tháng 1/1979 và đến nay quan hệ đó không ngừng phát triển. Mặc dù chúng ta chưa có những chuyến thăm cấp cao lẫn nhau nhưng các nhà lãnh đạo hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương như cuộc gặp của Chủ tịch nước Lê Đức Anh với Tổng thống Colombia Alvaro Uribe tại Hội nghị cấp cao lần thứ X Phong trào không liên kết (Bogota, 10/1995); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thống Alvaro Uribe tại Hội nghị cấp cao APEC (Lima, 11/2008).
Đặc biệt, vào tháng 2/2012 Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Maria Angela Holguin đã tới thăm Việt Nam và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh để có những cơ chế tốt hơn cho sự hợp tác của hai nước. Theo đó, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, công nghệ,… và tăng cường mối liên kết liên khu vực Mỹ Latinh - Đông Nam Á.
Ngoài ra, giao lưu về văn hóa cũng thể hiện một dấu ấn tích cực cho quan hệ hai nước khi năm 2013 chúng tôi đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức một khóa học tiếng Tây Ban Nha 6 tháng cho các cán bộ của ngành ngoại giao và một số Bộ ngành khác.
Về kinh tế, cho đến nay hợp tác thương mại của hai nước là không lớn khi hầu như chỉ có Việt Nam xuất hàng sang Colombia. Năm 2012, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Colombia đạt khoảng 106 triệu USD với các sản phẩm chủ yếu là hàng thủy sản và xơ, sợi dệt các loại. Do đó, điều chúng ta cần thực hiện là làm như thế nào để DN hai nước đến gần nhau hơn.
Những lĩnh vực cụ thể nào mà hai nước chúng ta có thể tạo ra đột phá cho hợp tác kinh tế giữa hai bên, thưa bà?
Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng hiện nay Việt Nam và Colombia là những nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latinh, chúng ta đã có những mối quan hệ tốt về chính trị và đó là điều kiện tốt để hợp tác chặt chẽ với nhau hơn. Việt Nam là thành viên của WTO, ASEAN, APEC - những tổ chức lớn và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế thế giới trong khi Colombia đang tọa lạc tại một khu vực không ngừng phát triển vì thế chúng ta có tiềm năng lớn để thúc đẩy hợp tác.
Việt Nam và Colombia có thể hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, giao thông. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và Colombia có nhiều điểm tương đồng nên chúng ta có thể học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển. Ngoài ra, dầu mỏ và than cũng là những ngành mà Colombia có thế mạnh với trữ lượng lớn và có khả năng xuất khẩu trong khi Việt Nam đã bắt đầu có nhu cầu về than.
Các DN Việt Nam vẫn chưa biết nhiều về thị trường Colombia, bà có thể chia sẻ với họ một số thông tin hữu ích?
Thị trường Colombia sẵn sàng chào đón các DN Việt Nam đến đầu tư và hoạt động kinh doanh và tùy thuộc vào các ngành, các lĩnh vực mà các bạn quan tâm đều có những cơ hội riêng. Môi trường kinh doanh tại Colombia rất thuận lợi với khuôn khổ luật pháp rõ ràng, thuế không quá cao như một số nước trong khu vực và mọi thủ tục đều được phổ biến công khai, minh bạch. Nói một cách đơn giản, chúng tôi có một thị trường mở và sẵn sàng đón chào các DN quốc tế trong đó có các DN Việt Nam.
Một tín hiệu khả quan là mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Colombia nhất là cá basa. Điều này cho thấy các DN thủy sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lớn tại đây.
Theo bà, một biên bản ghi nhớ (MoU) về thương mại sẽ là một ý tưởng tốt nhằm tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ các DN hai nước làm ăn với nhau?
Tôi cho rằng chúng ta có nhiều cách thức để phát triển quan hệ hợp tác và MoU về thương mại là một trong số đó. Cộng đồng DN hai nước hoàn toàn có thể làm việc với nhau theo như nhu cầu ở những lĩnh vực cụ thể. Các DN tư nhân của Colombia đang muốn tìm kiếm cơ hội và mở rộng tại khu vực ASEAN và Việt Nam hoàn toàn là điểm đến hấp dẫn nếu chúng ta có thể tạo một cơ chế rõ ràng. Bên cạnh đó, những chuyến thăm cấp cao cũng là sáng kiến tốt để đem lại hiệu quả hơn cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước và thậm chí là cả các DN./.
Xin cảm ơn bà!
Minh Trí
Theo VEN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Cột tin quảng cáo