Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ kinh tế xanh toàn cầu?
“Kinh tế xanh là nền kinh tế mà ở đó tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường cùng đồng hành với nhau và cùng bổ trợ cho quá trình tiến bộ xã hội”.
Đó là khái niệm về kinh tế xanh được chuyên gia kinh tế Vũ Xuân Nguyệt Hồng – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế xanh cho phát triển bền vững, diễn ra sáng 28/2 tại Bộ Tài nguyên Môi trường.
Bà Hồng đưa ra công thức: Nền kinh tế xanh và phát triển bền vững = tăng trưởng kinh tế + bền vững về môi trường + công bằng xã hội.
Với công thức đó, Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ kinh tế xanh toàn cầu?
“Việt Nam tăng trưởng tương đối cao nhưng thiếu bền vững trong nhiều thập kỷ. Thứ hai, tăng trưởng dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư (vốn đầu tư đóng góp 53% tăng trưởng GDP giai đoạn 2003 – 2009), cường độ sử dụng năng lượng ngày càng tăng và cao hơn mức trung bình thế giới. Thứ ba, những vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng và trở nên nhức nhối như: ô nhiễm công nghiệp, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu …”, bà Nguyệt Hồng phân tích.
Những vấn đề nêu trên đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng với vai trò quan trọng là dẫn vốn trong nền kinh tế là phải tính đến yếu tố bền vững trong hoạt động quản trị rủi ro ngân hàng hướng tới hệ thống ngân hàng xanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế.
Đại diện phía ngân hàng, ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết quan điểm: “Ngân hàng cần đưa quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội vào trong hoạt động thẩm định đầu tư tín dụng và các quyết định chiến lược sẽ thúc đẩy các cải cách và đảm bảo các doanh nghiệp mà ngân hàng đang hỗ trợ phát triển một cách bền vững và là nền tảng phát triển nền kinh tế xanh.
Ngân hàng đang hướng tới cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới ở những ngành, lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế bền vững. Đây có thể sẽ là những dịch vụ tài chính hỗ trợ sự ra đời của các sản phẩm và hoạt động thương mại mang lại những lợi ích về môi trường và xã hội như: tài trợ năng lượng tái tạo, tài trợ tiết kiệm năng lượng, tài trợ các quy trình và công nghệ sản xuất sạch hơn”.
Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, xanh hơn, ông Nguyễn Thế Chinh – Phó viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên và môi trường đề xuất: “Để đạt được mục tiêu chính sách kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, cần phải chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới. Tuy nhiên, xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.
Hơn nữa Việt Nam phát triển sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một nền kinh tế xanh”.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo