Việt Nam đẩy mạnh mở cửa đầu tư công
Diễn đàn “Đầu tư đối tác công tư tại Việt Nam” thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ tham gia
(VOV) Mô hình đối tác công tư (PPP) với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ là hình thức quan trọng trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam vừa được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.
Với tên gọi “Đầu tư đối tác công tư tại Việt Nam”, diễn đàn là cơ hội để Việt Nam đối thoại với các doanh nghiệp Mỹ về những đổi mới trong chính sách đầu tư công, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đối tác công tư (PPP) là mô hình mới tại Việt Nam, trong bối cảnh các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng trước đây chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong quá trình phát triển hiện nay, Việt Nam cần đổi mới về đầu tư công do nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi ngân sách nhà nước không thể đáp ứng đủ. Bộ trưởng cho biết: “Một trong những chủ trương đổi mới đầu tư công là mở cửa cho thành phần tư nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thành phần tư nhân này không chỉ giới hạn ở trong nước mà chủ yếu nhằm vào các tập đoàn, tổng công ty lớn tại nước ngoài, có nguồn lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm để đầu tư xây dựng những kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại tại Việt Nam”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo một môi trường, khuôn khổ pháp lý ổn định và lâu dài cho các dự án đầu tư PPP. Ông cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn của Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nếu hình thức PPP được triển khai theo đúng thông lệ quốc tế. Đây là điều Việt Nam rất cần vì ngân sách nhà nước chủ yếu chỉ để đối ứng cho phần của chính phủ trong PPP, còn nguồn lực chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài và tư nhân trong nước.
Ông Joe Knierien, Chủ tịch tập đoàn Globalinx có trụ sở tại bang Texas cho biết: “Các nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi quan tâm tới các lĩnh vực như xây dựng sân bay, cảng biển và bệnh viện. Chúng tôi biết Việt Nam đang rất cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đây là cơ hội để chúng tôi giúp ngành y tế Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi nghĩ rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại Việt Nam cần quảng bá nhiều hơn về PPP đối với các công ty Mỹ vì chúng tôi không có nhiều cơ hội để tìm hiểu các tiềm năng đầu tư tại Việt Nam cũng như xác định các dự án mang lại lợi ích cho cả 2 nước.”
Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH-ĐT, ông Lê Văn Tăng cho biết sự tham gia của tư nhân vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt nam còn rất khiêm tốn, với khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư. PPP đang là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về PPP do một Phó thủ tướng đứng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như chưa có luật về PPP, thiếu nhân sự và tình hình tài chính khó khăn.
Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư Mỹ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế trong quá trình triển khai PPP, trong đó có cơ chế đấu thầu. Bộ trưởng Vinh cho biết, những dự án có giá bỏ thầu thấp thường trúng thầu, trong khi những dự án có giá bỏ thầu cao, mặc dù chất lượng tốt, vẫn có thể bị loại.
"Để khắc phục điều này, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành sửa đổi luật đấu thầu và Bộ KH-ĐT chính là cơ quan chắp bút sửa đổi theo hướng đánh giá cả về kỹ thuật và giá bỏ thầu. Trước hết cần đánh giá về kỹ thuật, hiệu quả của dự án và trong vấn đề này thì phải xem xét cả vòng đời của dự án, kể từ khi thi công, đưa vào sử dụng, bảo trì-bảo dưỡng và xử lý sự cố. Trong thời gian tới, những nhà thầu có năng lực, có chất lượng kỹ thuật công nghệ tốt, mặc dù giá có thể cao nhưng có các dịch vụ hậu mãi sau đầu tư trong suốt vòng đời dự án thì sẽ được ưu tiên xem xét"- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng PPP luôn là một quá trình khó khăn tại bất cứ quốc gia nào, đòi hỏi những nỗ lực và quyết tâm lâu dài. Bà Kwakwa đánh giá cao tiến bộ của Việt Nam trong việc cải thiện khuôn khổ pháp lý, thành lập hệ thống đánh giá những dự án có thể áp dụng PPP và xây dựng cơ chế tài chính để chuẩn bị cho các dự án PPP. Về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, bà Victoria Kwaka nêu rõ Việt Nam vẫn là một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài cho dù tăng trưởng kinh tế đang suy giảm.
"Việc các nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn không có nghĩa là họ chỉ nhìn vào con số tăng trưởng. Tôi cho rằng điểm quan trọng là tìm hiểu xem những gì sẽ diễn ra trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng...trong thời gian tới. Việt Nam đã thực hiện những cải cách mấu chốt để loại bỏ những hạn chế về cơ cấu, dù đáng ra có thể đẩy nhanh hơn nữa, và kết quả là khả năng cạnh tranh đã được khôi phục nhanh chóng"- bà Victoria Kwaka nói.
Diễn đàn “Đầu tư đối tác công tư tại Việt Nam” thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có những tập đoàn lớn như Intel, General Electric, Eximbank và UPS./
.Huy Hoàng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Cột tin quảng cáo