Việt Nam không tụt hậu trong cạnh tranh thu hút FDI
(dautu) Chẳng hạn, như tại Thái Lan, các nhà đầu tư Nhật Bản đang có tới 7.000 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp điện tử, lắp ráp ô tô – xe máy…, trong khi tại Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản mới có 1.500 dự án. Số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây cũng đang có dấu hiệu chững lại.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, kinh tế Thái Lan, Indonesia phát triển và mở cửa sớm hơn Việt Nam, môi trường đầu tư cạnh tranh với nền hành chính hiện đại, nên số lượng dự án đầu tư vào hai nước này nhiều hơn là điều dễ hiểu.
“Hơn nữa, hai nước này có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển, trình độ nhân công tốt hơn, nên có lợi thế hơn Việt Nam trong thu hút các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp”, Bộ trưởng Vinh lý giải.
Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ, minh bạch môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ bằng nhiều ưu đãi đầu tư lớn.
“Việt Nam chỉ đi không nhanh bằng Indonesia, Thái Lan, Singapore, chứ hoàn toàn không thụt lùi mà vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng”, Bộ trưởng Vinh tái khẳng định.
Trước thực tế lượng vốn FDI vào Việt Nam gần đây phần nào chững lại do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng đã bắt đầu tăng trở lại. Và, nếu nhìn vào thực chất, lượng vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện ở giai đoạn này không hề giảm.
Giải thích về điều này, Bộ trưởng Vinh cho rằng, giai đoạn 2005-2009 là giai đoạn đỉnh cao thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, ở giai đoạn đó, mục đích thu hút vốn được đặt lên hàng đầu, nên Chính phủ dành những khoản ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư, việc thẩm định, kiểm soát dự án cũng không chặt chẽ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có lợi thế về nhân công giá rẻ, nên đã thu hút rất nhiều dự án ở những ngành nghề thâm dụng lao động, tận thu khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường. Lượng vốn đăng ký khi đó rất lớn, nhưng lượng vốn thực hiện lại không nhiều.
Còn hiện nay, khi kinh tế vĩ mô đã đạt được mức phát triển nhất định, thay vì kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ, chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Các ưu đãi cho nhà đầu tư cũng chặt chẽ hơn trước, lợi thế cạnh tranh về giá nhân công rẻ cũng mất dần, khi tiền lương của người lao động đang tăng nhanh với đà tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, lượng vốn đăng ký có thể không bằng giai đoạn đỉnh cao, nhưng lượng vốn thực hiện lại nhiều hơn, đem lại hiệu quả tốt hơn cho nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm với mức lương tốt hơn cho người lao động.
Để quản lý tốt hơn các dự án FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Indonesia trong việc cấp phép đầu tư. Theo đó, khi vào Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng sau khi đăng ký, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra quá trình giải ngân, thực hiện đầu tư của dự án rất chặt chẽ. Nếu đảm bảo các yêu cầu về nhà xưởng, hạ tầng công nghệ, môi trường,… đúng cam kết, thì dự án mới chính thức được cấp giấy phép đầu tư. “Việc này sẽ loại trừ được những dự án đầu tư ảo để đầu cơ, chiếm đất”, Bộ trưởng Vinh cho biết.
Phan Long
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam