Việt Nam là một trong 2 nước được Hoa Kỳ chọn xây dựng Trung tâm an ninh y tế toàn cầu
(vietnamplus) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy trong Lễ ký kết hiệp định hợp tác y tế và khoa học công nghệ giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ diễn ra chiều 17/6, tại trụ sở Bộ Y tế.
Hoạt động trên diễn ra nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi con người Hoa Kỳ Kathleen Sebelius từ ngày 17-18/6/2013.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là bản ký kết tiếp nối bản ký kết giữa hai nước đã thực hiện cách đây hơn 5 năm. Trong hiệp định này, hai bộ trưởng tập trung thảo luận những ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác về y tế giữa hai nước như y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, an ninh y tế toàn cầu.
"Nét mới nhất của hiệp định này là các vấn đề về an ninh y tế toàn cầu. Việt Nam được vinh dự là một trong 2 nước được Hoa Kỳ hỗ trợ để xây dựng một trung tâm an ninh y tế toàn cầu," bà Tiến cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, trước tình hình rất nhiều bệnh mới nổi, các bệnh phát sinh mới phát sinh phức tạp khiến ngành y tế chưa tìm được các phương pháp điều trị hữu hiệu, nên việc xây dựng trung tâm trên nhằm giúp Việt Nam pháp hiện, phản ứng nhanh các bệnh dịch trên để ngăn chặn sự lan rộng ra nhiều nước.
Người đứng đầu ngành y tế Việt Nam cho hay, Hoa Kỳ chọn Việt Nam để xây dựng trung tâm trên dựa trên cơ sở hệ thống y tế của Việt Nam từ trung ương cho đến tận xã tương đối tốt. Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những nước được coi là điểm sáng trong khống chế thành công dịch SARS (năm 2003). Đối với dịch cúm A/H5N1, Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Về hợp tác trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, từ tháng 6/2004, Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia được tiếp nhận viện trợ từ Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR).
Tại Việt Nam, chương trình PEPFAR tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV. Hiện có hơn 30 tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ tiếp nhận nguồn kinh phí của PEPFAR dành cho Việt Nam.
Trong giai đoạn 2005-2010, các cơ quan của chính phủ Việt Nam đã tiếp nhận gần 68 triệu USD tiền mặt và hơn 25 triệu USD bằng hiện vật từ chương trình PEPFAR. Số kinh phí này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kinh phí phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực châu Á được Hoa Kỳ chọn để hỗ trợ trong điều trị HIV/AIDS, nhờ vậy, số trường hợp nhiễm mới và tử vong do HIV đã giảm mạnh.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, Hòa Kỳ hiện hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động về tăng cường giám sát cúm thông qua các điểm giám sát trên toàn quốc, phát triển vắcxin cúm để chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với đại dịch.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động về tăng cường năng lực trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong lĩnh vực dược.
Một số dự án dài hạn do các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ tại Việt Nam bao gồm: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng y tế ở Bệnh viện Trung ương Huế (16 triệu USD); cải tạo, mở rộng và nang cấp Bệnh viện Nhi Trung ương, cung cấp trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực (13,3 triệu USD); hỗ trợ sản xuất vắcxin (2,2 triệu USD).
Cũng trong ngày 17/6, Bộ trưởng Y tế và phúc lợi con người Hoa Kỳ Kathleen Sebelius đã đi thăm chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội); thăm và làm việc tại trường Đại học Y Hà Nội./.
Thùy Giang
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản