Thị trường

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hội nhập nhanh nhất thế giới

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ hội nhập nhanh nhất thế giới. Mặc dù nhân công giá rẻ đã không còn đóng vai trò quyết định, song giá nhân công của Việt Nam vẫn tương đối thấp hơn so với nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… đang là một lợi thế trong cạnh tranh.

Đầu tư FDI đang làm thay đổi cơ cấu và diện mạo ngành may

Chia sẻ tại Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu vừa được Bộ Công Thương tổ chức, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao, kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định về vĩ mô, lãi suất hợp lý, chính sách tỷ giá linh hoạt, các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thuận lợi hơn một số năm gần đây. Đơn hàng xuất khẩu theo đó tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng hết quý 2 và 3/2018.

Đưa ra những lợi thế trong xuất khẩu dệt may năm 2018, ông Cẩm cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ hội nhập nhanh nhất thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), ký kết các Hiệp định thương mại với tư cách thành viên Asean với Japan, China, Korea, Australia - New Zealand và India. 

“Đã kết thúc đàm phán và đang trong giao đoạn rà soát pháp lý Vietnam - EU (EVFTA 2015), đóng góp tích cực để Hiệp định CPTPP được ký kết vào ngày 8/3/2018, hai Hiệp định tự do này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích để dệt may Việt Nam tăng trưởng nhanh trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay. 

Cũng theo ông Cẩm, quá trình hội nhập đã tạo ra thị trường mới rộng lớn cho các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó ngành dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất, do hầu hết các dòng thuế của sản phẩm dệt may đều giảm ngay hoặc giảm theo lộ trình về 0%. Mặc dù nhân công giá rẻ đã không còn đóng vai trò quyết định, song giá nhân công của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… đang là một lợi thế trong cạnh tranh. 

Ông Cẩm cũng cho biết thêm, đầu tư FDI đang làm thay đổi cơ cấu và diện mạo của ngành. Theo số liệu thống kê, đầu tư FDI vào ngành dệt may tính đến hết năm 2017 là 2091 dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 15,89 tỷ USD. Có 52 quốc gia và vùng lãnh tổ đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó có một số quốc gia có số vốn đăng ký lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, British VirginIslands. 

Thương hiệu Việt đóng góp rất lớn cho giá trị gia tăng 

Chia sẻ với báo chí về ngành dệt may Việt Nam, ông Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hiện ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu có uy tín trên thị trường quốc tế, bởi phân khúc các doanh nghiệp trong nước hướng vào cơ bản cạnh tranh khá tốt đối với thị trường của tầng lớp trung lưu.

Với sự tinh tế và khéo léo, trong một tương lai gần Việt Nam hoàn toàn có thể có những thương hiệu tốt. Đưa ra giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, ông Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần lưu ý đến giá trị gia tăng trong xuất khẩu và thương hiệu Việt. Bởi giá trị thương hiệu Việt đóng góp rất lớn cho giá trị gia tăng và giá trị gia tăng nói lên năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Điều này cũng đóng góp rất lớn cho tăng trưởng. Trong khi đó,đưa ra giải pháp để phát triển thị trường đối với ngành dệt may trong thời gian tới, ông Trương Văn Cẩm cho biết, sẽ tập trung khai thác các thị trường truyền thống, từng bước thâm nhập các thị trường Việt Nam mới ký FTA (Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu) để khai thác lợi thuế về thuế quan, xúc tiến khai thác thị trường EU, chuẩn bị khi CPTPP có hiệu lực. 

Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh logistics, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển hình thành các kho ngoại quan, các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. “Ngành dệp may sẽ tập trung nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật thương mại quốc tế, yêu cầu xuất xứ, lộ trình giảm thuế, rào cản kỹ thuật… của các FTA thế hệ mới như CPTPP, FTA, Việt Nam - EU… để tận dụng cơ hội và vượt qua các rào cản của các nước nhập khẩu”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay. 

Ngoài ra, đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Nắm bắt xu hướng, tốc độ phát triển của công nghiệp 4.0 để thích nghi với tiến bộ của thế giới. Việc mua sắm công nghệ, thiết bị cần phù hợp với nguồn lực (tài chính, nhân lực) của doanh nghiệp để tránh nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp, song cũng tránh công nghiệp mới nhưng không có nhân lực để khai thác hiệu quả.

Nên đọc
Theo VnMedia
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo