Việt Nam lọt nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng lương
Cụ thể, mức tăng lương trung bình năm 2014 là 9,6%, giảm so với mức 11,7% của năm 2013. Tuy nhiên, mức tăng thực tế này khá tương đồng so với dự báo đầu năm 2014 trong một khảo sát nhanh do Towers Watson thực hiện. Tỷ lệ nghỉ việc năm nay được báo cáo ở mức 12,7% theo cách tính trung bình và 11% theo trung vị.
Dự kiến, mức tăng lương trung bình của năm 2015 tiếp tục giảm nhẹ 0,4% so với năm 2014 (chưa tính đến yếu tố lạm phát), tức là thấp hơn đáng kể so với phương án tăng lương tối thiểu thêm 15,1% do Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua. Sau khi trừ đi mức lạm phát, mức tăng lương trung bình dự kiến năm 2015 là 3,1%. Mặc dù vậy, mức tăng này vẫn đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu về tốc độ tăng lương trong khu vực Đông Á.
Theo bà Trang Vũ, Trưởng phòng Dịch vụ Dữ liệu của Towers Watson Việt Nam, so với các nước trong khu vực, tốc độ tăng lương của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu là điều dễ hiểu. Bởi, Việt Nam đang là quốc gia thuộc nhóm trả lương thấp nhất chỉ ngang bằng với một số nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar.
Năm nay, số liệu về mức tăng lương trung bình được Towers Watson Việt Nam nghiên cứu khảo sát tập trung vào các ngành chủ đạo tại Việt Nam gồm: dịch vụ tài chính, bảo hiểm, dược phẩm, công nghệ cao và sản xuất.
Theo kết quả khảo sát, ngành dược phẩm có tỉ lệ tăng lương trung bình cao nhất là 11,2%, đồng thời cũng là ngành có tỷ lệ nghỉ việc trung bình cao nhất 15,9% trong năm 2014. Trong khi đó, ngành bảo hiểm có tỉ lệ tăng lương trung bình 2014 thấp nhất, ở mức 7,2%. Hiện tại, tỷ lệ nghỉ việc của ngành dịch vụ tài chính và ngành bảo hiểm thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung, trung bình ở mức 13,6% và 13,9%.
Theo bà Trang Vũ, mức tăng lương trung bình đạt ở mức 9,6% chủ yếu do ngành dược phẩm và sản xuất dẫn đầu ở mức cao.
Xét về tốc độ tăng tiền lương bình quân trong 3 năm vừa qua, mức tăng trưởng là khoảng 10%, tính trung bình cho tất cả các nhóm ngành. Trong đó, ngành dược phẩm có mức tăng cao hơn hẳn những ngành khác, ở mức 16%. Tiếp theo là ngành tài chính, bảo hiểm đều đạt mức tăng trưởng bình quân là 12%. Trong khi đó, tốc độ tăng lương trong ngành sản xuất thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 7,59%.
Ngành kỹ thuật cao thậm chí còn giảm 1% qua 3 năm. Đáng lưu ý là ngành sản xuất và ngành kỹ thuật cao cũng là 2 ngành có tốc độ tăng lương được Towers Watson dự báo là chậm nhất trong thời gian tới, thậm chí có xu hướng giảm.
Dù kết quả về khảo sát tốc độ chi trả lương của tổ chức này có khác so với các con số thống kê của cơ quan quản lý, song lại giống nhau ở xu hướng tuyển dụng nhân sự. Đó là tình trạng khan hiếm nhân sự chất lượng cao dường như đang ngày càng trầm trọng. Nhóm nhân sự được các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng hiện nay là giám sát chuyên viên, quản lý cấp trung trở lên và chuyên viên có kinh nghiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao