Việt Nam mỗi năm có thêm 20 đô thị
Tư duy ngắn hạn
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết tại hội thảo “Thành phố bền vững” do Cơ quan Thương mại Pháp Ubifrance Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Theo bà Lan Anh, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp, nhưng vẫn đạt 34%.
Trong đó, hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dân số đạt mức 7 triệu người, và 5-10 năm tới dân số tăng khoảng 10 triệu người.
Theo định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến giai đoạn năm 2025 tầm nhìn 2030, số lượng đô thị Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng, vào khoảng 1000 đô thị và trong những năm 2025 cho thấy số lượng đô thị sẽ tăng 20 đô thị trong một năm. “Đây là bài toán hết sức lớn đặt ra trong vấn đề phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam”, bà Lan Anh cho biết.
Về lý thuyết, các thành phố là động lực của sự tăng trưởng, gia tăng trung tâm đô thị đem lại cơ hội phát triển, cơ hội có việc làm và sự ổn định cho toàn nhân loại. Tuy nhiên, sự phát triển của đô thị, đặc biệt các thành phố lớn đang tạo ra thách thức rất lớn.
Vẫn theo bà Lan, đô thị hóa nhanh, thiếu bền vững, phát triển đô thị nóng dẫn đến bùng nổ dân số, thiếu hụt hạ tầng cơ sở, thiếu hụt năng lượng, ô nhiễm, biến đổi khí hậu.
Chia sẻ thách thức trong quá trình đô thị hóa mà các quốc gia phải đối mặt, ông Jean – Noel Poirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, các thành phố phát thải 60% lượng khí nhà kính. Tuy nhiên nếu biết phát triển thành phố bền vững có thể tiết kiệm được nước, tiết kiệm năng lượng.
Trở lại câu chuyện đô thị hóa của Việt Nam, tuy vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực nhưng với tỷ lệ người dân sống ở đô thị hiện nay là 33% và sẽ tăng 50% trong thời gian tới, rõ ràng chúng ta cần quan tâm tới vấn đề phát triển thành phố bền vững.
Nhìn theo góc độ kiến trúc, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận của Việt Nam trong việc phát triển thành phố bền vững không tập trung quá sâu về cảnh quan mà tập trung vào các chỉ số về mặt kinh tế, tiết kiệm.
Trong khi Pháp có quan điểm làm đô thị khác, cách tiếp cận khác. Họ tiếp cận bền vững ở khía cạnh tự nhiên, coi trọng cảnh quan, mặt nước, cây xanh, thậm chí cả nông nghiệp đô thị. Yếu tố thiên nhiên giống như yếu tố cứng , yếu tố tạo ra bản sắc và tạo ra sự bền vững. "Người ta làm lâu dài, mình có vẻ hơi ngắn hạn", PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nói.
Vẫn theo kiến trúc sư này, tiếp cận bền vững phải bằng văn hóa thông qua di sản. Muốn Hà Nội bền vững, người ta nghiên cứu các di sản kiến trúc Pháp, tìm cách đưa vào cuộc sống mới. Nhưng tiếp cận di sản phải dựa trên nền của một cảnh quan tự nhiên. Tóm lại, cách của Pháp tiếp cận từ môi trường sinh thái, từ văn hóa. Trong khi yếu tố văn hóa ở Việt Nam được sử dụng quá ít để tạo ra sự bền vững cho các đô thị ở Việt Nam.
Bỏ quên doanh nghiệp
Về mặt chính sách, ông Thông cho rằng, nhà nước cần phải sửa đổi những quy định như luật pháp, quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng tới đô thị xanh, bền vững.
Dĩ nhiên cái này phải làm từ từ, bền vững không thể nhanh được. Việt Nam cần phải tạo những quy định pháp lý tương quan, đồng nhất với quốc tế. Đương nhiên phải tính đến đặc thù riêng của Việt Nam.
Đúng là hiện nay đã có dự án về phát triển đô thị xanh nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong hàng vạn triệu khu đô thị mới, với 20-30 đô thị xanh như Ecopark hay Đặng Xá ở Gia Lâm cho người nghèo thì còn quá ít.
Thúc đẩy đô thị xanh đương nhiên cũng phải nói đến vai trò của doanh nghiệp. Thế nhưng việc tiếp cận quy hoạch đô thị tổng thể với doanh nghiệp lại quá nhiều khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam, có kinh nghiệm hơn 40 năm chuyên về tư vấn xây dựng như phát triển đô thị cho biết, các doanh nghiệp không may mắn như các viện quy hoạch của quốc gia.
Doanh nghiệp chỉ được tiếp cận quy hoạch đô thị cũng như phát triển đô thị ở những dự án cụ thể, quy mô nhỏ và ở mức quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên vị này cũng cho rằng “như vậy cũng đã là một may mắn khi có thể trực tiếp triển khai được dự án về quy hoạch đô thị”.
Cũng theo doanh nghiệp này, hiện trạng sử dụng đất và sở hữu đất ảnh hưởng khá lớn đến ý tưởng và phương án về quy hoạch, điều đó cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch của một đô thị bền vững.
Khó khăn đó được nhìn là “điều tất yếu”. Ông Thông cho rằng, một đất nước đang chuyển từ không có quy hoạch, không có luật pháp hay luật pháp chưa đầy đủ, đến khi có luật pháp thì để lại hậu quả đất đai là không tránh khỏi. Bây giờ quy hoạch theo hướng xanh thì gặp những rắc rối đó.
Các thành phố hiện đang tiêu thụ 75% nguồn năng lượng thế giới và sản sinh ra hơn 80% lượng phát thải nhà kính, chủ yếu là CO2.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao