Việt Nam nhập hàng trăm ngàn con bò thịt mỗi năm
Là nước nông nghiệp, nhưng mỗi năm, Việt Nam tốn hàng tỷ USD để nhập thịt bò, gà, lợn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN)… phục vụ nhu cầu trong nước. Là lĩnh vực được bảo hộ lớn nhất trong nông nghiệp, tới đây ngành chăn nuôi sẽ ra sao khi lá chắn đó không còn.
Thịt trong nước đắt vì phải nhập đủ thứ
Vài năm gần đây, lượng bò Úc nhập về Việt Nam tăng mạnh, lên đến hàng trăm nghìn con. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chỉ 7 tháng đầu năm nay, lượng trâu bò sống nhập về đã tới 150.000 con (mất khoảng 140 triệu USD), chủ yếu nhập từ Úc, Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, sở dĩ bò Úc vào nhiều là do những nguồn lớn trước đây như Thái Lan, Lào, Campuchia hạn chế dần.
“Năm 2012, Việt Nam nhập dọc biên giới các nước Lào, Campuchia khoảng 180 nghìn con, năm 2013 chỉ còn 96 nghìn con và xu hướng còn giảm nữa. Do vậy, bò sống từ Úc vốn chất lượng tốt, giá rẻ, vận chuyển thuận lợi nên ồ ạt nhập về”, ông Vang nói.
Theo lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện cơ cấu thịt bò ở nước ta chỉ chiếm khoảng 6,1% trong các loại thịt cung cấp cho bữa ăn, trong khi, mức trung bình của thế giới là 23%.
Hơn nữa, lượng trâu bò cung cấp trong nước có xu hướng giảm dần. Năm ngoái, nguồn thịt trâu bò nhập chiếm 17% nhu cầu trong nước, năm nay có thể lên 30%. Theo ông Vang, hết năm nay, Việt Nam có khả năng nhập khoảng 150 nghìn con bò Úc, mất khoảng 180-200 triệu USD.
Ông Vang cũng cho biết, về lợi thế chăn nuôi bò, Úc hiện là số một thế giới, tiếp đến là Canada, Mỹ, Brazil, New Zealand…
“Ở Việt Nam khó phát triển đàn bò vì mình chỉ có khoảng 45 nghìn héc ta đồng cỏ. Nếu theo cách của người Úc, mỗi con/héc ta, ta cũng chỉ khoảng 45 nghìn con. Hiện nước ta cả trâu, bò khoảng 7,6 triệu con, trong khi diện tích đất nông nghiệp cả nước chỉ hơn 9,1 triệu héc ta, không thể dành hết cho chăn nuôi được”, ông Vang nói.
Theo Cục chăn nuôi, không chỉ nhập trâu bò sống, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam cũng chi tới 46 triệu USD để nhập thịt trâu bò có xương (trên 16.500 tấn). Thậm chí, ngay cả thịt lợn giá rẻ (chỉ 1,8 USD/kg) cũng được nhập từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Pháp…
Ngoài ra, nước ta cũng chi gần 55 triệu USD để nhập trên 51.000 tấn thịt gà, tăng trên 20% so cùng kỳ năm ngoái từ Mỹ (chiếm hơn một nửa), Brazil (20%), Hàn Quốc (hơn 10%)...
Trong khi đó, dù tự hào là nước sản xuất TACN công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương, thức ăn bổ sung…
Đáng lưu ý, tới 38% nguồn nguyên liệu TACN nói trên nhập từ thị trường Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, cả nước phải chi tới 2,42 tỷ USD để nhập 5,9 triệu tấn nguyên liệu các loại cho sản xuất TACN trong nước (tăng 55% về lượng, gần 30% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái).
Giảm nhập khẩu, cách nào?
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, để giảm nhập khẩu thịt, nhất là với bò Úc, đương nhiên phải tăng sản xuất trong nước. Theo ông Dương, một trong những khâu làm ngay là cải tạo, nâng tầm vóc của đàn bò, thích hợp với điều kiện nóng ẩm của Việt Nam.
Trong đó, sẽ nhập thêm các loại tinh bò từ Úc, Bỉ…như loại bò siêu thịt 3B mà Hà Nội đang triển khai. Ông Dương cho biết, trung bình bò của ta chỉ cho khoảng 150 kg thịt, nhưng giống bò mới cho tới 400-500 kg thịt, nên không thể áp dụng chăn nuôi kiểu thả ăn cỏ bờ đê, bờ thửa được.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi, tới đây, sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gà màu thả vườn ở các địa phương. Cục sẽ phối hợp với các địa phương, xây dựng các tập đoàn giống, xác định các giống phù hợp với từng vùng, địa phương để đầu tư. Ông Vân cũng cho biết, hằng năm Việt Nam cũng có khoảng chục tỷ quả trứng vịt, đàn vịt cũng 60-70 triệu con, có thể xuất trứng vịt muối sang Đài Loan, Trung Quốc, Singapore…
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, hướng phát triển của chăn nuôi là tăng giá trị, mục tiêu làm cho nông dân thu nhập cao lên. Ông Phát nói: “Ở diễn đàn Quốc hội, có đại biểu hỏi tôi là nông nghiệp năm nào cũng tăng sản lượng nhưng năm nào cũng nghèo, thậm chí có tỉnh còn nghèo đi. Với giá chăn nuôi hiện tại, mọi người hô tăng đàn vì đang được giá, nhưng xin thưa, vài tháng nữa giá lại xuống, lại kêu thiệt hại mấy nghìn tỷ đồng”.
Ông Phát cho hay, Việt Nam đang đàm phán nhiều hiệp định tự do hóa thương mại, trong đó, nhiều đối tác gây sức ép rất lớn để mở cửa thị trường chăn nuôi, lĩnh vực mà lâu nay, chúng ta còn bảo hộ cao, có thể nói là cao nhất trong các lĩnh vực ngành nông nghiệp.
“Hầu hết các hiệp định, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi chung, từng bước mở cửa thị trường với một số sản phẩm chăn nuôi, hàng rào sẽ hạ xuống, sản phẩm chăn nuôi giá rẻ của nhiều nước, trong đó những nền công nghiệp chăn nuôi hùng mạnh như Mỹ, EU…sẽ nhảy vào”, ông Phát nói.
“Chúng ta đang từng bước mở cửa, giá trong nước sẽ theo giá thế giới. Ngành chăn nuôi phải nhìn ra thị trường thế giới, phải chọn sản phẩm cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu nhiều hơn”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo