Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 310 triệu USD
Vào cuối năm 2013, tổng giá trị các khoản vay nước ngoài được Chính phủ cho vay lại đạt 12,14 tỷ USD. Trong đó, các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán đạt 310,9 triệu USD, chủ yếu là từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), trị giá 214,5 triệu USD. Số còn lại là của 62 dự án đã bị xử lý theo thủ tục phá sản, đang cơ cấu lại nợ, khoanh nợ hoặc chờ bán tài sản để thu nợ...
Vinashin chiếm phần lớn số nợ quá hạn của Việt Nam.
Tổng dư nợ các dự án có nợ quá hạn đạt hơn 1,26 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng dư nợ cho vay lại, gồm 1,02 tỷ USD từ Vinashin và gần 240 triệu USD của các dự án.
Liên quan đến nợ công, một lần nữa Kiểm toán Nhà nước nhắc lại câu chuyện Bộ Tài chính đã thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ. Việc báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với số báo cáo tại báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013.
Công tác tổ chức và quản lý nợ công vẫn chưa được tập trung thống nhất theo quy định của Luật Quản lý nợ công, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn với tổ chức thực hiện và trả nợ vay, dẫn đến bị động trong việc cân đối nguồn trả nợ cũng như khuyến khích sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm. Việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất còn khó khăn, dẫn đến sai sót. Hệ thống mẫu biểu báo cáo về nợ công chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và chưa được các đơn vị tham gia quản lý nợ công lập đầy đủ hoặc gửi kịp thời.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật quản lý nợ công là gần 2 triệu tỷ đồng, bằng 54,5% GDP, tăng gần 19% so với năm 2012. Cơ cấu nợ của Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.
Cuối năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ tương đương 763.198 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Dư nợ vay trong nước đạt 764.933 tỷ đồng, tăng 39%.
Về nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, dư nợ đạt 188.486 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2012. Tuy đây không phải là các khoản do Chính phủ trực tiếp đi vay, nhưng kiểm toán cũng cảnh báo một phần có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của Ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân là quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, triển khai chậm, một số doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị chi phí, rủi ro hối đoái, dòng tiền… dẫn đến việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả...
Trong nước, số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đạt 207.576 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2012. Trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ phát hành có kỳ hạn ngắn (2-5 năm), trong khi không ít dự án có thời gian cho vay kéo dài từ 5-12 năm, dẫn đến rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, làm tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng do ngân sách gánh chịu.
Báo cáo cũng phản ánh vệc quản lý nợ chính quyền địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đến 31/12/2013, nợ của chính quyền địa phương là 30.016 tỷ đồng, không bao gồm khoản vay VDB 22.760 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp nợ chính quyền địa phương theo số liệu báo cáo của các địa phương, không nắm đầy đủ, chính xác nợ của chính quyền địa phương và giới hạn vay nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)