Việt Nam phải đối mặt với "chiến tranh giao thông"
Tình trạng tai nạn giao thông tại Việt Nam rất nghiêm trọng và Việt Nam phải đối mặt với cuộc "chiến tranh giao thông", khi tai nạn giao thông ở mức cao do ý thức tham gia giao thông thấp…
Tại buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác thực hiện “Chương trình đào tạo lái xe an toàn Toyota”giữa Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Toyota Việt Nam dưới sự hỗ trợ trực tiếp của Toyota Nhật Bản vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Koki Konishi, Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản, đã chia sẻ thông tin, quan điểm về an toàn giao thông của Toyota và Nhật Bản.
- Xin ông cho biết quan điểm về an toàn giao thông của Toyota ?
Với mục tiêu lâu dài nhằm xây dựng một xã hội chuyển động an toàn, và giảm thiểu tai nạn giao thông, Toyota luôn nỗ lực đưa ra giải pháp tích hợp, và tiên phong thực hiện các hoạt động trên 3 lĩnh vực: Thứ nhất là “ô tô” (tập trung phát triển công nghệ giúp giảm thương vong và bảo vệ người điều khiển, cũng như người ngồi trên xe khi gặp va chạm); Thứ hai là “Môi trường giao thông” (tập trung cung cấp thông tin về ách tắc giao thông, bảo dưỡng và quản lý cơ sở hạ tầng); và Thứ ba là “Con người” (tập trung phổ biến các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông).
Toyota đã thành lập Trung tâm huấn luyện đào tạo lái xe an toàn Toyota “Mobilitas” tại Nhật Bản và hàng năm tổ chức các khóa học cho hơn 5.000 người.
Quan điểm về lái xe an toàn của Toyota không chỉ dừng lại ở việc nâng cao kỹ năng lái xe an toàn cho người điều khiển xe, mà còn đào tạo cho họ ý thức tôn trọng và quan tâm đến sự an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.
Với việc hợp tác với Cục Cảnh sát giao thông thực hiện chương trình này, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên một môi trường lái xe an toàn, thông qua việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho trước tiên là đội ngũ giảng viên nòng cốt và mở rộng đến những người tham gia giao thông.
- Có sự khác biệt nào giữa chương trình tại Việt Nam và chương trình mà Toyota tổ chức ở các nước khác ?
Chúng tôi bắt đầu tổ chức chương trình đào tạo lái xe an toàn tương tự tại Thái Lan từ năm 2010 và hiện các giảng viên nòng cốt đang đi khắp Thái Lan để tiến hành giảng dạy, đồng thời đào tạo cho chính nhân viên Toyota Thái Lan. Việt Nam là quốc gia thứ hai chúng tôi tiến hành đào tạo lái xe an toàn cho các giảng viên, hướng dẫn viên nòng cốt…
- Xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm về an toàn giao thông tại Nhật Bản ?
Trước đây Nhật Bản cũng phải đối mặt với hiện tượng ‘chiến tranh giao thông’, bắt nguồn từ lượng phương tiện ô tô tăng đột biến, trong khi ý thức của người tham gia giao thông không theo kịp, dẫn tới đỉnh điểm số người tử vong hàng năm lên tới hơn 10 nghìn người. Rất mong Việt Nam có được kinh nghiệm của Nhật Bản để vượt qua thời kỳ này.
- Ông có thể nói rõ hơn cuộc chiến tranh giao thông ?
Thời điểm tồi tệ nhất về an toàn giao thông của Nhật Bản diễn ra vào năm 1970, khi số lượng người chết vì tai nạn giao thông lên tới 16.000 người/năm. Lúc đó, Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, đi cùng với tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường gia tăng. Chúng tôi rất tiếc về những tai nạn thương tâm đó và vì thế chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục tình trạng này, cụ thể có cả những động thái của Chính phủ Nhật Bản và của khối doanh nghiệp, trong đó có Toyota.
Cụ thể, về phía Toyota, chúng tôi có 2 phần: hardware là liên quan đến cải tiến chất lượng, an toàn của xe hơi và software là liên quan đến đào tạo, nâng cao ý thức của con người. Vào thời điểm đó ở Nhật Bản chúng tôi chưa có quy định bắt buộc phải thắt dây an toàn, nhưng chúng tôi đã đưa ra yêu cầu thắt dây an toàn và hiện nay người ngồi hàng ghế sau cũng phải thắt dây an toàn khi đi trên cao tốc. Ngoài ra, cũng có tiến bộ kỹ thuật hạn chế tai nạn như các hệ thống an toàn chủ động, bị động của xe.
Tôi cũng xin nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức của con người. Hơn 30 năm trước, chúng tôi đã triển khai tuyên truyền rộng rãi ý thức an toàn giao thông tới từng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, từng nhân viên của Toyota sử dụng tranh vẽ, thú nhồi bông, làm mô hình mô phỏng tai nạn giao thông…để tham gia tuyên truyền.
Đặc biệt, mọi người cũng phải có ý thức nhường nhau, ví dụ ô tô nhường xe máy, người đi bộ…Điều này không chỉ đúng trong tham gia giao thông mà còn rất tốt và có ý nghĩa trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi chúng ta.
- Vậy kết quả của những nỗ lực đó và gợi ý cho Việt Nam ?
Qua hơn 30 năm triển khai hoạt động này, số người chết vì tai nạn giao thông tại Nhật Bản năm 2014 đã giảm xuống 4.000 người. Năm ngoái tôi có gặp một gia đình có hai thế hệ lần lượt tham gia các khóa học an toàn giao thông của chúng tôi và họ nói chương trình rất bổ ích…Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng việc nâng cao ý thức về an toàn giao thông cần kiên trì, từng bước, từng bước thì sẽ tạo ra sự thay đổi…
- Xin cảm ơn ông!
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo