Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Tác động gì đến thị trường tài chính Việt?

(DNVN) - Với Tuyên bố Kuala Lumpur, Cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 mở ra không ít cơ hội và thách thức đối nền kinh tế các nước, đặc biệt là thị trường tài chính Việt Nam.

Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng 22/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community) đã chính thức được thành lập ngày 22/11/2015 và có hiệu lực từ 31/12/2015. 

Để giúp doanh nghiệp, tổ chức hiểu  rõ hơn về tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) vừa tổ chức Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam”. 

Hội thảo tập trung vào kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) nhằm đưa ra lộ trình và các biện pháp cần thực hiện để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 nhằm chuyển hóa ASEAN thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất đơn nhất, một khu vực có sức cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và một khu vực hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu. 

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương cho biết, trong quá trình tham gia AEC, Việt Nam đã thể hiện tính “chủ động” phá thế bao vây cấm vận, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, khi tham gia hội nhập kinh tế khu vực ASEAN Việt Nam sẽ được nhiều ưu đãi; hoàn thiện tiến trình đổi mới kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, phát triển xuất khẩu và thu hút đầu tư; góp phần ổn định thị trường tài chính Việt Nam; Tạo cơ hội cùng với ASEAN hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế Đông Á. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó thì cũng không ít những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

Tại Hội thảo, chỉ ra những cơ hội đối với thị trường tài chính Việt Nam, bà Lê Thị Thùy Vân - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính nhận định, Hội nhập tài chính AEC sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán mở rộng thị phần, tham gia nhiều hơn vào các thị trường khu vực. 

 

Bên cạnh đó, việc xóa bỏ rào cản và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối AEC sẽ tạo thị trường bình đẳng cho các công ty trong nước và nước ngoài, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư. Sự tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm chứng khoán là yếu tố quan trọng để cải thiện trình độ quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính Việt Nam. 

Bà Vân cũng cho rằng, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trên thị trường tài chính giúp mở rộng cơ hội đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, việc tự do luân chuyển các dòng vốn đầu tư của AEC sẽ có tác động tích cực đến phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu.

Tại Hội thảo, chia sẻ về quan điểm của mình, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số nước trong khu vực ASEAN, đó cũng là một trong những cản trở đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh; thị trường tài chính phát triển chưa vững chắc và nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực.

Cụ thể đối với ngành Tài chính, thách thức trước mắt là việc hoàn thiện thể chế để thực thi các cam kết trong ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Đơn cử như trong lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam đang hướng tới tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc quản lý, giám sát theo khuyến nghị của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế và tăng cường năng lực giám sát thị trường cũng như xây dựng các nguyên tắc cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp.

"Trong lĩnh vực chứng khoán, các quy định về chào bán, phát hành, phân phối chứng khoán, công bố thông tin, các chuẩn mực kế toán, kiểm toán… còn nhiều hạn chế do vướng các luật pháp về kinh tế, pháp luật về dân sự, chưa đáp ứng các chuẩn mực chung của khu vực. Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đã được ký kết nhưng vẫn đặt ra những thách thức nhất định để kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN thực sự được tự do hành nghệ tại các nước ASEAN", ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

 

Cũng theo ông Tuấn Anh, ngoài thể chế, công tác phối hợp xây dựng chính sách giữa các Bộ, ngành, vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng cần được quan tam khi AEC thành lập. Thông qua việc nhìn nhận cụ thể những cơ hội, thách thức, các đơn vị của Bộ Tài chính sẽ từng bước đưa ra những giải pháp cụ thể để tận dụng tốt những hiệu ứng tích cực do AEC mang lại, qua đó đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo