Thị trường

Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới

Nguồn nguyên liệu đầu vào còn thiếu, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài, ngành sữa là ngành luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại.

Chuyên gia quốc tế phân tích về ngành công nghiệp sữa tại hội thảo

Đấy là phân tích của các đại biểu về những hạn chế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam tại Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” sáng 28/11, tại Hà Nội.

 
Tại hội thảo các đại biểu chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại của ngành sữa Việt Nam so với thế giới, đặc biệt là việc nhập siêu do thiếu nguyên liệu sữa tươi. Do nguồn nguyên liệu đầu vào còn thiếu, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài, ngành sữa là ngành luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch.
 
Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế. Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập, và chất lượng thì không thể so sánh với sữa tươi sạch, nhưng nghịch lý là sữa hoàn nguyên, sữa pha lại đôi khi còn đắt hơn cả sữa tươi sạch. Thực tế sự phát triển của ngành sữa Việt Nam cũng đang đi ngược xu hướng thế giới, khi mà Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.
 
Một vấn đề nữa của ngành sữa Việt Nam được các đại biểu đề cập đến là chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi. 
 
Thông tin trên sản phẩm sữa còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin về ngành sữa, kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa còn hạn chế, không minh bạch, không công khai. Chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, gây tổn thất cho ngành sữa Việt Nam. 
 
Ngoài ra, chưa có quy hoạch đồng bộ và chưa xây dựng được quy chuẩn cho ngành chăn nuôi bò sữa, cụ thể hóa tiêu chuẩn về chăn nuôi bò sữa trên dây chuyền công nghệ cao, vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ công nghệ. Như vậy câu hỏi đặt ra sữa nguyên liệu, sữa tươi như thế nào là tốt nhất và khi đã có quy định rõ ràng về quy chuẩn sữa tươi rồi thì làm thế nào để phát triển bền vững. Các chuyên gia quốc tế cũng như các nhà quản lý trong nước đã nhận định con đường tạo ra sự thúc đẩy nhanh chóng phát triển bền vững ngành sữa và chăn nuôi bò sữa Việt Nam chính là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao. 
 
Những vấn đề về chính sách cũng được các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận rõ hơn tại hội thảo. Các chính sách thuận lợi sẽ “lôi kéo”, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi sạch, góp phần phát triển bền vững ngành sữa Việt Nam.
 
Thời gian gần đây thị trường sữa đang có nhiều bất ổn
 
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Công Tạn - Nguyên phó Thủ tướng chính phủ nhận định: “Sau nhiều năm phát triển đến nay ngành sản xuất kinh doanh sữa bò đã trở thành ngành sản xuất có hiệu quả cao nhất trong các ngành nông lâm nghiệp Việt Nam, nổi bật nhất là doanh thu/ha/năm. Với công nghệ nuôi bò sữa hiện đại thì 1 hecta đồng cỏ có thể nuôi được 10 con bò trong đó có 5 con vắt sữa đem lại doanh thu khoảng 25 tấn sữa/ha/năm xấp xỉ đạt 400 triệu đồng/ha/năm, có những điển hình đạt tới trên 1 tỷ đồng/ha/năm là doanh thu cao nhất trên một đơn vị diện tích so với các ngành có thu nhập cao trong nông nghiệp, kể cả so với ngành nuôi trồng thủy sản và trồng cao su”.
 
Đánh giá về thị trường tiêu thụ sữa của Việt Nam hiện nay, Nguyên phó Thủ tướng lạc quan cho rằng: “Với mức sống ngày càng nâng cao, tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng sữa bò tiếp tục được nâng lên thì với khoảng 100 triệu dân của nước ta đang mởi ra triển vọng lớn về thị trường nội địa cho ngành công nghiệp sữa bò ở Việt Nam. Không những vậy với khả năng cạnh tranh thì rất có thể sữa và các mặt hàng sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Thí dụ, riêng với Trung Quốc, mức tiêu dùng hiện nay là 20 lít/người/năm với đà tăng trưởng kinh tế tốc độ cao như hiện nay thì Trung Quốc là nước có nhu cầu tăng đột biến về tiêu dùng sữa, do đó phải nhập khẩu sữa ngày càng nhiều. Chẳng hạn năm 2005 Trung Quốc đã xuất khẩu sữa đạt 110 triệu USD, nhập khẩu sữa 38 triệu USD, nhưng đến năm 2010 chỉ sau 5 năm, Trung Quốc xuất khẩu sữa còn 64 triệu USD trong khi lượng nhập khẩu sữa đã tăng lên 906 triệu USD, tăng 15 lần chỉ trong vòng 5 năm”.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Tạn cũng cảnh báo: “Ngành công nghiệp sữa vẫn là một ngành cần vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi cao và khắt khe về công nghệ chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó để phát triển ngành này một cách bền vững, phải dựa hẳn vào các doanh nghiệp có đủ điều kiện: có thực lực kinh tế mạnh, có lực lượng nhân viên quản trị và kỹ thuật được đào tạo có bài bản, có ý chí và niềm đam mê đối với ngành công nghiệp sữa”.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo