Việt Nam tốn hàng tỷ đô để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng
“Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có năng lực sản xuất yếu kém, qui mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là linh kiện giản đơn, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị, công nghệ sản xuất lạc hậu”.
Đây là một trong những điểm yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đươc lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đưa ra tại Hội thảo Giải pháp Tài chính và hạ tầng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngày 28/8/2014 tại Hà Nội
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang diễn ra hằng ngày trên thế giới thì việc chuyển giao công nghệ càng diễn ra dễ dàng hơn. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, thì ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải tận dụng lợi thế của người đi sau, tiết kiệm thời gian phát triển công nghệ, mà thay vào đó là tiếp thu, chuyển giao trực tiếp từ các nước có nền công nghiệp phát triển thông qua hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA),… Chính vì thế, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo nên ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế.
Công nghiệp hỗ trợ góp phần giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp do tạo được nguồn cung cấp đầu vào ổn định, chất lượng, đồng thời giúp giảm giá thành sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ làm tăng khả năng thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là FDI trong ngành sản xuất các loại máy móc.
Công nghiệp hỗ trợ còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ do các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường được sản xuất với qui mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc phát triển ngành CNHT sẽ kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp này – đây cũng là một trong những giải pháp tối ưu phát triển nền kinh tế (do ở nước ta doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% trong tổng số doanh nghiệp cả nước).
Tại hội thảo các đại biểu cũng chỉ ra một số điểm yếu cần khắc phục của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Trong đó ý kiến của lãnh đạo ngân hàng VDB cho rằng: “Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có năng lực sản xuất yếu kém, qui mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là linh kiện giản đơn, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị, công nghệ sản xuất lạc hậu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở nước ta lại phải dựa nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu và linh phụ kiện bởi công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu đã làm cho nền kinh tế thiếu chất lượng, nhập siêu kéo dài gây nhiều khó khăn cho việc điều hành, ổn định kinh tế”.
Khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và khả năng của các nhà cung cấp trong nước khá lớn, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ta khó tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp khách hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước vẫn chưa thay đổi được tập quán sản xuất khép kín, không có phân công, chuyên môn hóa từng khâu để giảm giá thành sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Do vậy, cần phải có những chính sách mạnh mẽ, hiệu quả từ phía Chính phủ trong việc khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như hỗ trợ về tài chính, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn quản lý và kết nối tạo dựng thị trường.
Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Văn Chi – Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G – Chủ đầu tư phát triển khu công nghiệp hỗ trợ nam Hà Nội (HANSSIP) cho biết:
Việt nam từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng ngàn các doanh nghiệp nhật bản do có môi trường đầu tư an toàn, nền chính trị ổn định, và chính sách khuyến khích thu hút đầu tư hấp dẫn từ phía Chính phủ. Việt Nam đã rất thành công khi thu hút được các tập đoàn lớn như Samsung, Nokia, Tosiba, Honda, Panasonic, Cannon… Tuy nhiên, hàng năm Việt Nam vẫn phải dành hàng tỷ đô la để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. Kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm phụ trợ trong các lĩnh vực máy móc, dệt may, da dày, cơ khí luôn đứng trong Top 10 các mặt hàng nhập khẩu chủ lực của quốc gia.
Do đó, mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng HANSSIP là mong muốn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
Từ những nhu cầu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện, chi tiết máy và phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu như đã đề cập trên, với hy vọng cùng chung tay góp sức cho nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển, tận dụng tối đa nguồn nhân lực trong nước.
Hội thảo là diễn đàn mở đề các doanh nghiệp hội viên HANSIBA, các nhà nghiên cứu thể chế chính sách kinh tế có những ý kiến chính thức đóng góp về cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển ngành công nghệ hỗ trợ. Hội thảo lần này sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế cho vay giữa các ngân hàng đối với các dự án công nghiệp hỗ trợ.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo