Thị trường

Việt Nam từ chối vay 1,2 tỉ đô la lãi suất cao

Bộ Tài chính đã nói không với 8 chương trình, dự án vay vốn nước ngoài với lãi suất cao có tổng trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ, trong mục tiêu chung về giảm nợ công.

Thông tin nêu trên được ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, nêu ra tại cuộc hội nghị tổng kết năm 2017 của cơ quan này.

Theo cục quản lý nợ, kể từ tháng 7/2017, Việt Nam đã không còn được hưởng các khoản vay với lãi suất thấp từ nhà tài trợ lớn là Ngân hàng Thế giới (World Bank). Khi việc kêu gọi các khoản vay giá rẻ từ các nhà tài trợ nước ngoài càng trở nên khó khăn, sức ép đến từ việc vẫn phải tiếp tục vay nợ để đầu tưcho các dự án, công trình lớn càng trở nên nặng nề. Nhiều chủ đầu tư chấp nhận việc vay vốn với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu.

Đạm Ninh Bình, một dự án được sử dụng nguồn vốn vay về cho vay lại của Ngân hàng Eximbank (Trung Quốc), sau đó không có khả năng trả nợ. Ảnh:TL.

Tuy nhiên, cục quản lý nợ đã đặt ra mục tiêu song hành là đàm phán để có nguồn vốn vay ưu đãi với chi phí hợp lý và từ chối các khoản vay có chi phí cao. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã từ chối các khoản vay cho 8 chương trình, dự án với trị giá 1,2 tỉ đô la. Đồng thời, cơ quan này đã đề nghị chuyển sang vay trong nước với chi phí rẻ hơn đối với các dự án có thu hồi vốn. Ông Hải không nêu rõ tên các chương trình, dự án từ chối vay vốn ngoại.

Năm 2017, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký 32 hiệp định vay vốn nước ngoài với trị giá khoảng 2,983 tỉ đô la. Có 17 chương trình, dự án được vay lại với tổng giá trị hợp đồng vay lại là 2,294 tỉ đô la, gấp 2 lần năm 2016.

Với những con số nêu trên, tính đến hết năm 2017, nợ công Việt Nam ngày càng được kiểm soát theo hướng an toàn hơn. Đến cuối năm 2017, tổng nợ công là 3.068.766 tỉ đồng, bằng 61,3% GDP và thấp hơn năm 2016 (63,6% GDP).

Trước đó, Bộ Tài chính đã rà soát, cập nhật Chiến lược quản lý nợ công 2016-2020 và tầm nhìn 2030, Kế hoạch quản lý nợ công trung hạn 2016-2020 cho phù hợp với tình hình và kiểm soát việc chấp thuận bảo lãnh, vay vốn về cho vay lại ngày càng chặt chẽ hơn. Quan điểm của bộ là kiểm soát nợ công ngay từ khâu đề xuất dự án đầu tư, đánh giá tác động từng khoản vay đến nợ công nói chung, nợ nước ngoài nói riêng, tránh lặp lại tình trạng dễ dãi như tại nhiều dự án thua lỗ ngàn tỉ thời gian trước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại cuộc họp đã tiếp tục yêu cầu Cục quản lý nợ và Vụ ngân sách nhà nước tìm cách nghiên cứu để có hướng tốt hơn cho vấn đề nợ công tăng cao và tính bền vững yếu; đặc biệt lưu ý tìm phương án trả bớt nợ gốc.

 

Nên đọc
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo