Chứng khoán

Việt Nam vào danh sách “thị trường chứng khoán cần theo dõi”

Một bài viết của hãng tin CNBC nêu rõ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “qua mặt” các thị trường chứng khoán mới nổi ngang tầm trong năm nay. Hãng tin này cũng nhận định, cùng với việc nền kinh tế có những thay đổi tích cực, xu hướng lên điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm 2014.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2014, với mức thất nghiệp nhỉnh hơn 6% - Ảnh: AFP/Getty.

Bài viết mang tựa đề “The emerging market to watch in 2014” (tạm dịch: “Thị trường mới nổi cần theo dõi trong năm 2014”) trích nhận định của ông Sean Darby, chiến lược gia trưởng về chứng khoán toàn cầu của công ty Jefferies đưa ra trong một báo cáo: “Ở vào thời điểm mà các yếu tố căn bản ở Indonesia và Thái Lan đang xấu đi, tình hình ở Việt Nam lại trở nên khả quan hơn. Chúng tôi dự kiến thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng điểm tốt hơn các thị trường ngang tầm khác trong khu vực trong năm 2014”.

Tính đến ngày 23/12, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 23% từ đầu năm, so với mức giảm 6% của chỉ số MSCI Emerging Markets Index - thước đo các thị trường chứng khoán mới nổi - trong cùng khoảng thời gian.

Ông Darby lưu ý rằng, thâm hụt thương mại - “gót Asin” của nền kinh tế Việt Nam - đang dần cải thiện, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì ở mức cao.

Trong 10 tháng đầu năm nay, FDI vào Việt Nam đạt 9,6 tỷ USD, trong đó 70% chảy vào khu vực sản xuất. Đồng nội tệ ổn định cùng với chi phí nhân công cạnh tranh được các chuyên gia xem là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư trong thời gian tới.

“Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định với lạm phát giảm. Hoạt động sản xuất gia tăng của các công ty nước ngoài đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Darby nói và nhấn mạnh, điều này trái ngược với những gì đang diễn ra ở Ấn Độ và Indonesia, hai quốc gia chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng và lạm phát tăng.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2014, với mức thất nghiệp nhỉnh hơn 6%. GDP của Việt Nam tăng 5,42% trong năm nay, so với mức tăng 5,25% trong năm ngoái.

“Đây có lẽ là tốc độ “tối ưu” cho tăng trưởng kinh tế và nếu lạm phát giảm thêm, lãi suất có thể hạ xuống nữa”, ông Darby đánh giá.

Bên cạnh triển vọng kinh tế khởi sắc, Chính phủ Việt Nam còn đang nỗ lực giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tháng 10 vừa qua, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) tuyên bố sẽ mua 118 triệu USD nợ xấu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về tài sản.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Agribank có tỷ lệ nợ xấu 6,1% tính đến tháng 6/2012. Chính phủ tuyên bố hồi tháng 5 rằng, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên có thể sẽ buộc phải bán nợ xấu cho VAMC.

Ông Adreas Karall, Giám đốc đầu tư công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital (Vietnam), nói, ông nhận thấy “tiềm năng khởi sắc rất lớn” trong một chu kỳ kinh doanh mới đã bắt đầu ở Việt Nam và dự kiến sẽ kéo dài 7 năm.

Ngoài ra, ông Karall nói rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn vì có tới khoảng 1/3 trong hơn 700 công ty niêm yết có hệ số giá/thu nhập (P/E) trong khoảng 6-7 lần.

“Nhiều cổ phiếu có mức cổ tức hơn 9%, thậm chí có một số công ty có trạng thái tiền mặt ròng cao ngang với giá trị vốn hóa”, ông Karall nói trong một buổi họp báo nhân dịp thành lập quỹ AFC Vietnam Fund hồi đầu tháng này.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo