Việt Nam vô hình trong lăng kính truyền thông thế giới
Giải thưởng Best Country Media Reputation 2011 (Quốc gia châu Á có uy tín truyền thông tốt nhất năm 2011), được công bố dựa trên báo cáo nghiên cứu của Media Tenor thực hiện trên tổng cộng 17.249 tin và phóng sự trên 30 kênh truyền thông quốc tế uy tín nhất thế giới trong năm 2011 xét trên 11 tiêu chí đánh giá bao tần suất xuất hiện trên báo chí, độ đa dạng của chủ đề, sự phát triển kinh tế, tội phạm, văn hóa, quan hệ quốc tế...
Tại giải thưởng danh giá Best Country Media Reputation, Nhật Bản đạt Giải vàng, Cộng hòa Ấn Độ đạt Giải bạc và CHND Trung Hoa đạt Giải đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng trên 07 lĩnh vực.
Việt Nam được đánh giá cao trên 2 lĩnh vực, đó là Best media reputation on diplomacy 2011 - Quốc gia gó Uy tín truyền thông tốt nhất về hoạt động ngoại giao 2011(đồng hạng cùng Indonesia) và Most positive media coverage 2011 - Quốc gia được đánh giá tích cực nhất trên truyền thông trong năm 2011 (đồng hạng cùng Malaysia).
Đạt được uy tín truyền thông cao, tức là các quốc gia có danh tiếng tốt trên trường quốc tế. Trong thời đại nhảy vọt về công nghệ và toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, truyền thông quốc tế đang có vai trò lớn hơn bao giờ hết trong việc định hình dư luận quốc tế và chính sách đối ngoại, cả về chính trị và kinh tế, của các quốc gia trên toàn cầu. Do đó, truyền thông quốc tế đang là một tấm gương phản chiếu uy tín của mỗi Quốc gia, Doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Vậy với hai giải thưởng đạt được, liệu Việt Nam có thể yên tâm về danh tiếng quốc tế của đất nước, và như vậy, có phải Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư, du lịch và sự ủng hộ của dư luận quốc tế? Media Tenor e ngại rằng thực tiễn không hoàn toàn là như vậy.
Uy tín của Việt Nam trên truyền thông quốc tế là tích cực trên một số khía cạnh, nhưng về tổng thể là đáng lo nhiều hơn đáng mừng.
Để đánh giá về danh tiếng quốc tế của một nước, câu hỏi kinh điển là: "nước đó đang ở vị trí nào trên truyền thông quốc tế?" Vậy Việt Nam đang có vị thế gì trên truyền thông quốc tế, hay nói cách khác truyền thông quốc tế đang đưa tin gì, đang bình luận gì về Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản: Việt Nam đang "vô hình".
Gần như các hãng truyền thông quốc tế hàng đầu đang không đưa tin về Việt Nam. Đó là kết luận có thể đưa ra trên cơ sở phân tích các bản tin quốc tế trong tổng số 21 đài truyền hình quốc tế hàng đầu ở Mỹ (ABC, CBS, Fox, NBC, CNN), Anh (BBC, ITV), Pháp (TF1), Đức (ARD, RTL, ZDF), Tây Ban Nha (TVE1), Thụy Sỹ (SF), Ý (RAI 1) và Trung Quốc (CCTV).
Trong nửa năm 2011, Việt Nam chỉ xuất hiện 44 lần trong đó xuất hiện trên BBC 10 lần và trên CCTV 12 lần. Trong tổng số các bản tin giờ cao điểm của ABC, CBS, NBC và Fox trong năm 2011, Việt Nam chỉ xuất hiện trong 0.03% tổng số.
Số liệu của Media Tenor cũng cho thấy Việt Nam không xuất hiện liên tục trên các kênh truyền hình thế giới, trong tháng 3, tháng 7 và tháng 8, hoàn toàn không có tin tức về Việt Nam. Các bản tin về Việt Nam đều được định hình theo quan điểm riêng của các đài truyền hình nước ngoài, Việt Nam chưa có động thái để truyền thông cho những thông điệp và câu chuyện của đất nước mình.
Khi hình ảnh không xuất hiện trên truyền thông tại Paris, New York hay Pretoria, Việt Nam sẽ khó khăn để thu hút được khách hàng tại các vùng này. Nếu người Madrid, Milano hay Manama không có tin tức gì về Việt Nam, họ sẽ lựa chọn các điểm du lịch khác như tại Ấn Độ hay Trung Quốc.
Trong những ngày tại Việt Nam, tôi đã có dịp nói chuyện với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, giám đốc của công ty cà phê Trung Nguyên. Ông Vũ có tham vọng đưa Việt Nam trở thành thiên đường cà phê thế giới. Việt Nam sẽ thành nước hàng đầu trên thế giới về thương hiệu cà phê. Tuy nhiên, với sự hiện diện thấp, và đi kèm là danh tiếng thấp, như vậy của hình ảnh Việt Nam trên truyền thông quốc tế, những chiến lược đầy tham vọng như của Trung Nguyên là rất ít tính khả thi.
Tuy nhiên, danh tiếng Việt Nam không xấu. Trong mỗi bài viết hiếm hoi về Việt Nam, các ký giả quốc tế thường đưa ra những nhận định tích cực nhiều hơn tiêu cực. Đặc biệt, tin tức về Việt Nam rất tích cực trong lĩnh vực chính sách ngoại giao và đối ngoại. Thế giới đang chia sẻ và đồng tình với định hướng và sách lược đối ngoại của Việt Nam.
Như giáo sư Frank Go, đại học Eramus, Hà Lan, đã nhận xét: "Vẻ đẹp đáng tiền nhất của Việt Nam là từ con người Việt Nam". Thế giới vẫn đang dành một sự kính trọng nhất định cho lịch sử hào hùng giải phóng dân tộc và ý chí độc lập của người dân Việt Nam. Các cuộc kháng chiến chống các cường quốc để bảo vệ độc lập dân tộc của người Việt Nam là niềm tự hào và khích lệ cho nhiều người dân trên thế giới. Và cho đến tận bây giờ, chủ đề chiến tranh vẫn là chủ đề quan trọng khi báo chí thế giới nhắc tới Việt Nam. Đây là một lợi thế Việt Nam cần tận dụng khi quan hệ với truyền thông quốc tế.
Như vậy, dù có nhiều điểm yếu, Việt Nam đang ở một vị thế không tồi để thúc đẩy danh tiếng quốc gia trên phạm vi quốc tế. Điểm ưu tiên là Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cần xuất hiện ở đúng nơi, đúng chỗ, qua đó là tăng tần suất xuất hiện trên truyền thông thế giới.
Cần có một kế hoạch chi tiết về truyền thông quốc gia cho Việt Nam, về những kênh truyền thông, những nhà báo quốc tế có uy tín mà Việt Nam cần truyền tải thông tin đến họ, về những nội dung chi tiết mà Việt Nam cần thông tin cho thế giới và về thơi gian biểu thực hiện công bố thông tin. Dù không phải là một công việc dễ dàng, nhưng để nâng cao danh tiếng quốc gia, Việt Nam nhất định phải đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông quốc tế.
Giải thưởng Company Global Reputation Asia Award 2011, Giải thưởng Doanh nghiệp châu Á được Media Tenor thực hiện dựa trên 189.771 bản tin trên 38 kênh truyền thông quốc tế xét trên 11 tiêu chí liên quan tới hoạt động doanh nghiệp như Quan hệ khách hàng, Trách nhiệm xã hội, Hoạt động nhân sự.... Kết quả, Panasonic nhận Giải vàng, Huyndai nhận Giải bạc, và Samsung nhận Giải đồng. Honda nhận Giải bạc về công ty châu Á có hình ảnh tích cực nhất về sản phẩm và khách hàng, 2011. Giải thưởng Vietnam Banking Reputation Awards 2011 do Vietnam Report và Media Tenor hợp tác nghiên cứu về hình ảnh và danh tiếng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam trong năm 2011 dựa trên 1.191 bản tin trên các kênh truyền thông đại chúng của Việt Nam và 24 tiêu chí phân tích, đánh giá. Theo đó, 3 ngân hàng có uy tín nhất trên truyền thông Việt Nam năm 2011 là Techcombank (nhận Giải vàng), Eximbank (nhận Giải bạc) và Maritime Bank (nhận Giải đồng). |
Tác giả: Roland Schatz (CEO Media Tenor)
Theo VEF.VN
End of content
Không có tin nào tiếp theo