Thị trường

Vietnam Airlines lần đầu công bố bán đấu giá cổ phần

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu theo hình thức đấu giá công khai.

Việc phát hành cổ phần theo hình thức đấu giá theo Bản công bố thông tin trên là một phần của quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam, góp phần định hướng những mục tiêu chiến lược của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa.

Quy mô và số lượng tài sản lớn

Theo ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng của Vietnam Airlines, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam hiện thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước và đang trong quá trình thực hiện cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phần để huy động vốn.

Khối lượng cổ phần phát hành chiếm 25% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Hiện nay, Vietnam Airlines là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không chiếm thị phần số một tại Việt Nam với mạng lưới các chi nhánh, văn phòng, đơn vị trực thuộc, Công ty con trải rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài. Do đó, quy mô, số lượng, tài sản sử dụng cho hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines là rất lớn và chủng loại khá đa dạng.

Với đặc thù của hoạt động vận tải hàng không, ngoài tài sản là quyền sử dụng đất, hệ thống trụ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng kho tàng, thiết bị điện tử, phương tiện vận tải mặt đất, tài sản hữu hình có giá trị lớn nhất phục vụ cho hoạt động kinh doanh, có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của Vietnam Airlines là đội tàu bay.

Tại thời điểm ngày 31/3/2013, tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo giá trị sổ sách là 57.156 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản là máy bay lên tới 32.691 tỷ đồng, chiếm khoảng 57% tổng tài sản.

Ngày 14/5/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1807 QĐ-BGTVT về giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Theo đó, giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam để cổ phần hóa như sau: Giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2013 để cổ phần hóa là gần 57.048 tỷ đồng, tương đương 2,739 tỷ USD. Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là gần 23.494 tỷ đồng, tương đương 1,128 tỷ USD.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc của Vietnam Airlines, cho biết thêm bên cạnh phần tài sản hữu hình, mạng đường bay là tài sản vô hình có giá trị lớn nhất của Vietnam Airlines.

Mạng đường bay được xây dựng theo mô hình “trục-nan” với tần suất khai thác ngày càng cao, tập trung quy hoạch nối chuyến qua sân bay cửa ngõ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc phát triển mạng đường bay đến nay đã được thực hiện theo đúng định hướng chiến lược phát triển của Vietnam Airlines.

Trong giai đoạn 2008-2013, mạng bay nội địa được bổ sung thêm 11 đường bay, đồng thời gia tăng thêm tần suất trên các đường bay đang khai thác.

Các đường bay trục được khai thác với tần suất dày đặc, các chuyến bay trải đều trong ngày. Các đường bay du lịch đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Côn Đảo cũng được tăng tải mạnh, đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng cao trong giai đoạn cao điểm hè.

Bên cạnh đó, các đường bay địa phương tiếp tục được duy trì và phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy giao thương, du lịch giữa Hải Phòng, Vinh, Quảng Bình, Quy Nhơn, Cần Thơ, khu vực Tây Nguyên với các trung tâm khác trong cả nước.

Ngoài ra, tính đến hết năm 2013, Vietnam Airlines có hợp tác liên danh song phương với 20 hãng hàng không và một hãng tàu hỏa Quốc gia Pháp; hợp tác chia chặng đặc biệt (SPA) với 80 hãng hàng không và một hãng tàu hỏa của Đức.

Thông qua hợp tác liên danh, số lượng điểm đến của Vietnam Airlines tăng thêm 66 điểm so với trước thời điểm mở rộng mạng bay quốc tế, trong đó có chín điểm tại châu Á, sáu điểm tại Trung Đông, 19 điểm tại châu Mỹ, 31 điểm tại châu Âu và một điểm tại châu Phi.

Nâng cao chất lượng vận tải hàng không

Theo ông ông Phạm Ngọc Minh, kinh doanh vận tải hàng không là hoạt động cơ bản mang lại phần lớn nguồn thu cho Vietnam Airlines.

Kết quả hoạt động vận tải hàng không tại Vietnam Airlines gồm kết quả từ hoạt động thực hiện vận chuyển hàng không thường lệ, hoạt động chuyên cơ, thuê chuyến do Hãng hàng không quốc gia Việt Nam thực hiện và từ hoạt động bay phục vụ một số ngành kinh tế-kỹ thuật (chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, trồng rừng) do Công ty bay dịch vụ Hàng không VASCO - một công ty trực thuộc Vietnam Airlines đảm nhiệm.

Trong giai đoạn 2008-2013, doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng trung bình 19,7%/ năm, trong đó doanh thu từ vận tải hàng không và doanh thu hoạt động phụ trợ vận tải tăng trưởng trung bình lần lượt là 19,9% và 20,1%.

Doanh thu của Công ty mẹ trong năm 2009 giảm 8,2% so với 2008. Nguyên nhân là do trong năm 2009, nền kinh tế thế giới suy thoái, kéo theo nhu cầu đi lại giảm rõ rệt, đặc biệt là thị trường quốc tế, khiến sản lượng vận chuyển khách quốc tế-nguồn khách đem lại doanh thu cao cho Vietnam Airlines giảm 8% so với năm 2008.

Thêm vào đó, năm 2009, Vietnam Airlines không còn khoản doanh thu từ phụ thu nhiên liệu nội địa (khoảng 200 tỷ đồng). Những năm tiếp theo, doanh thu của Vietnam Airlines có sự phục hồi ấn tượng, đặc biệt là năm 2010, 2011 với tốc độ tăng trưởng tương ứng là 53,5% và 26%.

Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Vietnam Airlines cho biết thêm trong những năm qua, hệ thống phân phối và mạng lưới kinh doanh vận tải hàng không của Vietnam Airlines đã được chú trọng phát triển để đẩy mạnh khả năng cung ứng dịch vụ và xâm nhập thị trường.

Hệ thống kênh bán của Vietnam Airlines hiện nay bao gồm các kênh trực tiếp tại các phòng vé thuộc các chi nhánh Vietnam Airlines ở trong và ngoài nước, và trên trang web của Vietnam Airlines; gián tiếp qua các đại lý, tổng đại lý được Vietnam Airlines chỉ định.

Theo định hướng phát triển được công bố, Vietnam Airlines hướng tới trở thành Tập đoàn hàng không có năng lực mạnh về tài chính, có uy tín trong ngành hàng không của châu Á, trong đó Công ty mẹ sẽ nắm vai trò chủ chốt về hoạt động, các dịch vụ phụ trợ sẽ được thực hiện từ Công ty con và Công ty liên doanh, liên kết.

Sau khi cổ phần hóa, bên cạnh khoản lợi nhuận để lại trong giai đoạn 2014-2018, Vietnam Airlines dự kiến thực hiện phát hành thêm cổ phần để huy động vốn làm cơ sở tăng vốn điều lệ theo hướng: phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường trong nước và quốc tế, giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65%.

Vietnam Airlines cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 chất lượng sản phẩm và dịch vụ thuộc loại khá trong khu vực, mang bản sắc văn hóa Việt Nam đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đạt tiêu chuẩn 4 sao đến năm 2020 và trở thành hãng hàng không được ưa chuộng ở châu Á về chất lượng dịch vụ trên không và mặt đất.

Không ngừng phấn đấu giữ vai trò chủ đạo trong giao thông hàng không quốc gia, tập trung nguồn lực tạo ra các sản phẩm dịch vụ vận tải hàng không với giá cả hợp lý trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế đi đôi với thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, là lực lượng dự bị cho an ninh quốc phòng./.

Vietnamplus
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo