Vinacomin vay 300 triệu USD cho dự án bauxite
Ngày 14/11/2012, Citi Việt nam thông báo đã thực hiện lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho khoản vay 300 triệu USD cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam (Vinacomin) tài trợ dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Lâm Đồng.
Khoản vay có kỳ hạn 13 năm được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm Xuất khẩu và Đầu tư của Nhật bản (NEXI). Còn vai trò của Citi là ngân hàng điều phối toàn bộ và cũng là nhà thu xếp chính, hợp tác với ngân hàng Mizuho Corporate Bank, Sumitomo Mitsui Trust Bank và The Bank of Tokyo-Mitsubishi.
Đây là dự án sản xuất alumin đầu tiên được xây dựng ở Việt nam, được các bên đánh giá, có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất alumin để xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước, cũng như đối với việc phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Tây Nguyên.
Điều đặc biệt ở đây là, hợp đồng này đánh dấu lần đầu tiên NEXI cấp bảo lãnh không ràng buộc cho một dự án bauxite và alumin. Theo lý giải của ông Yumoto Yohei, Giám đốc phụ trách Khối Tín dụng Xuất khẩu, Citi Nhật Bản, do giao dịch sẽ giúp đảm bảo nguồn cung alumin ổn định cho Marubeni, công ty thương mại của Nhật Bản, vì vậy, lợi ích này đóng vai trò quan trọng để NEXI cấp bảo lãnh tín dụng cho khoản vay.
Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin cho biết, khoản vay 300 triệu USD là hợp đồng tín dụng lớn nhất từ trước đến nay của Vinacomin. Trong khi đó, về phía Citi Việt Nam, Tổng giám đốc ngân hàng này, ông Brett Krause cho rằng, khoản tín dụng sẽ giúp Vinacomin đạt được mục tiêu về cơ cấu vốn cho dự án đồng thời giúp tập đoàn đa dạng hóa các nguồn vốn.
Như Dân trí đã thông tin trước đó, theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, Vinacomin và Ban Quản lý dự án bauxite Tân Rai phải ấn định chạy thử có tải Nhà máy alumin vào ngày 1/11/2012 sau nhiều lần đình trệ. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, sau nửa tháng trôi qua, chưa có thông tin cập nhật về vấn đề này.
Trong dự kiến của Vinacomin, sản lượng alumina tại nhà máy Tân Rai vào khoảng 460 triệu USD với 300.000 tấn trong năm nay, bằng một nửa công suất hàng năm. Tuy nhiên, trong kế hoạch này thì lô sản phẩm đầu tiên đã phải ra lò vào hồi đầu quý II.
Sang 2013, công suất kiến là 500.000 tấn và sẽ tăng lên 650.000 tấn trong năm 2014. Vinacomin cũng đang trong quá trình phát triển dự án alumina Nhân Cơ tại tỉnh Dak Nông, với sản lượng ban đầu dự kiến đạt 300.000 tấn trong năm 2014 và tăng lên 650.000 tấn vào 2016. Tại Quốc hội khóa XII diễn ra hồi cuối năm 2010, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng từng cho biết, dự kiến, thời gian thu hồi vốn của dự án alumina Nhân Cơ là 12,4 năm/30 năm tồn tại.
Về đầu ra, hai đối tác của Vinacomin sẽ là Chalco (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) - đây cũng là đối tác đã giúp Tập đoàn về vốn và thiết bị tại Tân Rai.
Theo lãnh đạo Vinacomin, tập đoàn hiện cần khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng hàng năm cho kế hoạch đầu tư đến 2015. Trong khi Vinacomin tính toán dựa trên nhu cầu dài hạn và có thể sản xuất nhôm sau năm 2015 thì Alcoa, Rio Tinto và các tập đoàn khoáng sản khác trên thế giới lại đang cắt giảm sản lượng do giá nhôm lao dốc gây ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo nhận định của nhà sản xuất lớn nhất nước Mỹ, Alcoa thì Trung Quốc có thể chỉ dùng đến 70% công suất trong năm 2012.
Bauxite được tinh chế thành alumina, một loại bột trắng, sau đó được nấu chảy thành kim loại nhôm.
Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới