Vinafood 2 xài tiền như rác
Công ty TNHH MTV Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) gồm 44 công ty thành viên, trong đó có 14 đơn vị trực thuộc. Theo báo cáo của Vinafood 2, đến hết năm 2013, 7/14 đơn vị lỗ lũy kế, nợ khó đòi với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Thất thoát đến mức vô lý
Cụ thể, Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỷ đồng; Công ty Lương thực Trà Vinh: 134,52 tỷ đồng; Công ty Lương thực thực phẩm An Giang: 83,19 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu: 42,34 tỷ đồng; Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang: 25,13 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre: 1,35 tỷ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng: 2,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ được cho là do lỏng lẻo trong quản lý nhân viên, ưu ái đối tác khi ký hợp đồng làm thất thoát, gây ra nợ khó đòi với tổng số tiền 420 tỷ đồng. Đáng chú ý, cuối năm 2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký hợp đồng xuất khẩu 94.000 tấn mì lát cho 2 đơn vị khác, thời gian giao hàng vào tháng 6/2013. Công ty Thịnh Phát Kon Tum nhận cung cấp hàng. Trong quá trình hợp tác, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã hào phóng đến mức khó tin như: ứng tiền trước khi nhận hàng, để nhân viên tự ý ký khống phiếu xác nhận nhập kho, rồi cho Công ty Thịnh Phát Kon Tum mượn hàng trong kho đem bán với số lượng lớn, gây thất thoát 130 tỷ đồng.
Chiều 5/5, ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum, xác nhận có mượn 6.000 tấn mì lát nhưng điều này “được sự cho phép từ phía Công ty Lương thực Vĩnh Long”.
“Chúng tôi không thông đồng gì với phía Công ty Lương thực Vĩnh Long, lượng nông sản còn thiếu 24.200 tấn là do hao hụt, đội giá mặt hàng trong quá trình thực hiện tất cả các hợp đồng. Bên cạnh đó, phía Công ty Lương thực Vĩnh Long luôn cho người đi kiểm soát nên không thể có chuyện khai khống lượng hàng lớn như vậy mà không hay biết” - ông Thạnh phân trần.
Ngoài ra, các đơn vị khác của Vinafood 2 cũng đã ký hợp đồng bán gạo cho Công ty TNHH XNK-TM Võ Thị Thu Hà (trụ sở 186 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) và 2 công ty con là Công ty Tân Hòa Lộc và Công ty Bình Lợi gây thất thoát lớn. Đến thời điểm này, Công ty Võ Thị Thu Hà vẫn còn “ngâm” của Công ty Lương thực Vĩnh Long 174,3 tỷ đồng, Công ty Lương thực Hậu Giang 160 tỷ đồng, Công ty Lương thực Đồng Tháp 47 tỷ đồng, Công ty Lương thực Sóc Trăng 26 tỷ đồng... Cuối tháng 4/2014, Vinafood 2 buộc phải nộp đơn khởi kiện Công ty Võ Thị Thu Hà ra TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM để đòi lại số tiền trên.
Đứng bên bờ vực phá sản
Theo kết quả “Giám sát tài chính đối với các đơn vị trực thuộc có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ của Vinafood 2”, tính đến ngày 31/12/2013, 3/7 đơn vị thua lỗ thuộc đối tượng phải giám sát tài chính cho thấy hầu hết đều ở tình trạng nợ xấu cao, vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng do đưa vào đầu tư dài hạn và khả năng thanh toán nợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu hầu như bị mất. Như tại Công ty Lương thực Trà Vinh, dù không có nợ xấu dẫn đến nợ phải thu khó đòi nhưng công ty đã có số lỗ lũy kế trên 134,52 tỷ đồng. Vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng đưa vào đầu tư dài hạn của công ty này lên đến 82 tỷ đồng. Như vậy, vốn của công ty bị chiếm dụng không tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng từ 2 khoản trên lại hơn 217,1 tỷ đồng.
Nếu tính lãi suất vay ngân hàng hằng năm 8%/năm thì mỗi năm, công ty này phải trả lãi ngân hàng ít nhất 17,3 tỷ đồng. Báo cáo cũng nhận xét “Tổng kết lại số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty này là 629,44 tỷ đồng/-18,52 tỷ đồng. Hệ số này cho thấy công ty mất khả năng thanh toán nợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu; mất khả năng tự chủ về tài chính bằng nguồn vốn chủ sở hữu và không thể trả được các khoản nợ theo điều kiện tài chính thắt chặt.
Tương tự, Công ty Lương thực thực phẩm An Giang và Công ty Lương thực Bạc Liêu cũng trong tình trạng bi đát với “khả năng tự chủ về tài chính bằng nguồn vốn chủ sở hữu đạt thấp, có khả năng không thể trả được các khoản nợ trong điều kiện tài chính thắt chặt”. Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang và Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh cũng đã có kế hoạch ngưng hoạt động.
Xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”
Những đợt kiểm tra của lãnh đạo Vinafood 2 với các đơn vị thành viên trong năm 2013 từng phát hiện nhiều sai phạm như: vận dụng nhiều phương cách kinh doanh mạo hiểm, vi phạm quy chế, điều lệ; ký hợp đồng xuất khẩu không chặt chẽ, ký vượt thẩm quyền; mua tập trung vào một khách hàng với số lượng quá lớn; ứng trước số tiền vượt mức quy định trong thời gian dài làm tăng nguy cơ xảy ra rủi ro thua lỗ, thất thoát.
Không chỉ vậy, một số đơn vị còn thiếu trung thực trong việc báo cáo, che giấu về số liệu, thời gian làm cho tổng công ty không nắm được tình hình một cách đầy đủ.
Điển hình là việc Công ty Lương thực Hậu Giang bán ngược trở lại cho Công ty Võ Thị Thu Hà 72.500 tấn gạo với giá thấp hơn mua vào, qua đó báo cáo lỗ gần 28 tỷ đồng vào quý I/2013.
Lãnh đạo Vinafood 2 kết luận: Công ty đã ký hợp đồng vượt khung cho phép và yếu kém trong nhận định thị trường, trong kỹ thuật ngoại thương. Việc hai bên mua bán qua lại số tiền rất lớn (gần 700 tỷ đồng) cho cùng một lô hàng mà không xin ý kiến của hội đồng quản trị cũng như lãnh đạo tổng công ty là việc làm hết sức bất thường và thiếu cân nhắc; rất dễ gây sự chú ý và nghi ngờ của cơ quan giám sát tài chính cũng như các cơ quan pháp luật, gây dư luận không tốt(?).
Mặc dù phát hiện nhiều sai phạm của các đơn vị trực thuộc nhưng Vinafood 2 chỉ dừng lại ở mức phê bình, kiểm điểm nội bộ, khắc phục lỗi... khiến cho tình trạng thất thoát vốn càng thêm nghiêm trọng.
Năm 2013, Công ty Lương thực Hậu Giang thua lỗ 98,57 tỷ đồng. Ông Võ Văn Hùng, tổng giám đốc, cho biết công ty lỗ chủ yếu do bán gạo với giá thấp để thanh toán công nợ đến hạn mà không hề nhắc đến những sai phạm trong quản lý yếu kém. Các đơn vị khác cũng đưa ra lý do tương tự khi nói về kết quả kinh doanh không như mong muốn.
Ông Trần Văn Tâm, quyền Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, khẳng định thua lỗ do việc kinh doanh lương thực năm 2011 của lãnh đạo công ty lúc đó không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, khi đó công ty đã mua gạo giá cao nhưng lúc bán ra lại “vướng” cảnh rớt giá tới gần 2.000 đồng/kg, gây lỗ hơn 120 tỷ đồng. Năm 2012, công ty tiếp tục thua lỗ thêm hơn 10 tỷ đồng do thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo không hiệu quả. Để giảm bớt lỗ, Công ty Lương thực Trà Vinh đã bán 2 căn nhà không sử dụng vào năm 2013 được 5 tỷ đồng. Khoản tiền lỗ hơn 120 tỷ đồng còn lại, lãnh đạo công ty cho biết đang trông chờ vào khoản bù lỗ từ Vinafood 2 hoặc bán tiếp một số tài sản khác.
Còn ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Công ty Lương thực Bạc Liêu, từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc vì sao công ty thua lỗ. “Chúng tôi đang kiểm tra lại sổ sách nên chưa thể cung cấp thông tin vào thời điểm này. Còn chuyện thua lỗ mà báo chí nêu chỉ là số liệu cũ của năm 2013, bây giờ tình hình đã khác rồi”- ông Thống lạc quan nói.
Theo ông Trương Thanh Phong, nguyên Tổng giám đốc Vinafood 2, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ, thất thoát từ các đơn vị trực thuộc. Không loại trừ một số nguyên nhân chủ quan, thiếu trách nhiệm của một vài đơn vị để xảy ra tình trạng trên. Đối với công nợ của Công ty Võ Thị Thu Hà, từ đầu năm 2013, các công ty liên quan đã buộc phải thu hồi nợ, khắc phục hậu quả nhưng có công ty không thu hồi được nợ mà còn cố tình gây nợ lớn hơn nên đến cuối năm 2013, tổng công ty kiểm tra lại thì nguồn vốn thất thoát tăng khá nhiều. Lẽ ra hội đồng thành viên đã xử lý ngay nhưng do nhiều lý do khác nhau mà đến nay, Vinafood 2 mới bắt đầu khởi kiện công ty này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo