Tin tức - Sự kiện

Vỡ đập thủy điện Đăkrông3, hậu quả được báo trước

Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ là hồi chuông cảnh tỉnh các nhà làm thủy điện, cũng như các cơ quan hữu quan.

 

Đối với một đất nước có tới hơn 2.200 sông, suối lớn nhỏ, lại có nhu cầu rất lớn về điện cho tiêu dùng và phát triển kinh tế như ở Việt Nam - trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu-khí đang ngày càng cạn kiệt -  thì việc sử dụng hiệu quả nguồn nước để sản xuất điện là một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thủy điện ở nước ta thời gian qua đã và đang có nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Trong khi nghi án “nứt” đập Thủy điện Sông Tranh 2 và những rung chấn động đất kích thích trên địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa dừng lại, thì sự việc đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ đã như một hồi chuông cảnh tỉnh các nhà làm thủy điện nói riêng, cũng như các cơ quan hữu quan cần thận trọng hơn đối với thủy điện…

10 ngày sau tiếng nổ lớn - đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ! Vẫn còn đó dòng nước xối xả, đục ngầu chảy về hạ du cuốn theo lúa-mì-bắp-rẫy của dân bản Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; không chỉ đe dọa những công trình thủy điện Đakrông 2, Đăkrông 4 đang thi công ở các bậc thang phía dưới mà còn gây hoang mang, lo lắng cho hàng triệu người dân ở những nơi đã và đang chuẩn bị xây dựng những công trình thủy điện lớn, nhỏ trên cả nước.

Vậy là một hồ thủy điện đã bị vỡ, cho dù đã được cảnh báo từ trước, ít nhất cũng là hơn nửa năm - kể từ khi báo chí phát hiện những khe nước chảy mạnh ra từ thân đập thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My (hồi trung tuần tháng 3/2012).

Đáng lưu ý là hồ thủy điện Đakrông 3 bị vỡ khi chưa làm xong đã vội tích nước. Nguy hiểm hơn, việc tích nước lại được chủ đầu tư thực hiện ngay trong mùa mưa lũ, trong khi chưa đền bù, di dời 13 hộ dân sống trong lòng hồ là một sự tắc trách, coi thường tính mạng dân sinh - chưa cần xét đến lý lẽ, quy định của pháp luật hay đi sâu vào điều tra chất lượng của công trình.

Thế nhưng, khi thủy điện Đakrông 3 bị vỡ, thay vì nói đến nỗi buồn của một sự cố, nhiều người cho rằng đây là một sự cố chứa đựng nhiều may mắn. May mắn là bởi nó mới chỉ xảy ra ở một công trình thủy điện rất nhỏ, không có thiệt hại về người và những thiệt hại kinh tế bước đầu ước định khoảng 20 tỷ đồng. Nhưng nó để lại những cảnh báo lớn, những công trình thủy điện có quy mô sức chứa nước lớn hơn đã, đang và sẽ được xây dựng, mà thủy điện Sông Tranh 2 là một ví dụ điển hình.

Cho đến nay, Chính phủ đã quyết định tạm dừng tích nước thủy điện Sông Tranh 2 để nghiên cứu tổng thể công trình này. Nhưng lo ngại của người dân nơi đây vẫn luôn thường trực, bởi họ đang ở phía dưới hạ du của một đập thủy điện có sức chứa hơn 730 triệu m3 nước - mà ngay khi ở mực nước chết - nếu xảy ra sự cố cũng đủ ảnh hưởng xấu tới cả một vùng rộng lớn.

Vấn đề tồn tại của hầu hết các hồ, đập thủy điện vừa và nhỏ đã được thanh tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ ra, đó là không có công trình bảo đảm dòng chảy tối thiểu, một số công trình không thiết kế cống xả đáy nên khi sự cố xảy ra đã không thể xả nước theo yêu cầu. Tuy nhiên, Cục Kỹ thuật an toàn môi trường công nghiệp, Bộ Công thương lại khẳng định, trừ những công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La có thiết kế cửa xả đáy ra, thì hầu hết các công trình thủy điện hiện có ở Việt Nam đều không có cửa xả đáy, bởi nếu thiết kế thêm cửa xả đáy nghĩa là sẽ có thêm nhiều thiết bị nằm ở bên trong thân đập thì xác xuất xảy ra sự cố sẽ lớn hơn (?!)

Chưa biết đúng - sai thuộc về ai, nhưng một thực tế nhỡn tiền được Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng chỉ ra, đó là, trong khi tiềm năng thủy điện của nước ta đã được khai thác gần hết, nhưng quy chuẩn quốc gia về thủy điện hiện vẫn còn đang trên bàn soạn thảo và chưa có một cơ sở pháp luật nào quy định về sự an toàn cho các hồ chứa.

Đó là chưa kể đến rất nhiều những bất cập trong nghiên cứu, khai thác và vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung, từ điều kiện địa chất không tốt, sự bất lợi của thiên nhiên… đến những bất cập về năng lực với tốc độ xây dựng thủy điện vừa và nhỏ quá nhanh nhưng lại yếu kém về cơ sở hạ tầng…

Mặc dù đã có rất nhiều đợt kiểm tra, rà soát, điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, và đã kiên quyết loại bỏ tới 331 dự án (và đang tiếp tục rà soát) trên tổng số 990 dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch phát triển thủy điện quốc gia do chậm triển khai, không hiệu quả và có tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra với Sông Tranh 2, Đakrông 3 - liệu có ai dám chắc kết quả của những cuộc rà soát không ẩu như chính những lỗi cơ bản của những công trình này - là cẩu thả, chủ quan, coi thường, tắc trách?!

“Say thủy điện” - đó là cụm từ được giới khoa học dùng cho ngành công nghiệp điện năng. Và khuyến nghị của họ là cần xem xét một cách thận trọng việc xây dựng thủy điện gắn với phát triển bền vững  - cho dù đó là một công trình thủy điện rất nhỏ, được đầu tư xây dựng bài bản, tuân thủ đúng nguyên tắc, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bởi, ngay cả những nhà máy thủy điện có công suất lớn đang cung cấp một nguồn điện năng giá rẻ cho đất nước và tham gia cắt lũ, chống hạn tốt - nghĩa là đem lại nhiều lợi ích - thì vẫn còn đó những tồn tại về hậu quả môi trường, diện tích chiếm đất, xâm hại rừng và khó khăn trong giải quyết ổn định cuộc sống tái định cư của người dân vùng lòng hồ đã hy sinh rất nhiều cho thủy điện./.

 

Như Trâm (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo