Tin tức - Sự kiện

Vỡ quy hoạch xảy ra ở tất cả các thành phố lớn

Vấn đề còn đang yếu của chúng ta hiện nay là việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo được quy hoạch đó. Điều này dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch diễn ra khắp nơi. Thực trạng này xảy ra ở tất cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng ... các đô thị loại 1 và loại 2.

Ông Đỗ Việt Chiến - Cục trưởng Cục quy hoạch và Phát triển đô thị

Đây là ý kiến của ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển đô thị, Bộ Xây Dựng.

 
Ông giải thích như thế nào về tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thị diễn ra tràn lan ở Việt Nam?
 
Chúng ta có thể hình dung 1 đô thị hình thành, phát triển, đến lúc nào đó lại phải tái phát triển đó là một quá trình mà chúng ta phải quản lý nó. Vậy quản lý trên cơ sở nào, đó chính là quy hoạch. Quy hoạch chính là công cụ để phát triển đô thị, quy hoạch là cơ sở để xây dựng các chương trình, các kế hoạch để thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội ở góc độ không gian. 
 
Quy hoạch đô thị dựa trên nền tảng rất quan trọng đó là kinh tế xã hội. Ngay cả những nước phát triển cũng đều phải có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với kinh tế xã hội.
 
Quy hoạch là sản phẩm mang tính chất định hướng và dự báo, cho nên định hướng và dự báo có thể đúng hoặc có thể không đúng, nó tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cho nên không thể nói một quy hoạch duyệt ngày hôm nay là bất di bất dịch. 
 
Vì vậy, cho nên không nên dị ứng với việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết . Vấn đề ở đây là điều chỉnh phải có căn cứ, tức là cơ sở nào thì được phép điều chỉnh, điều chỉnh cục bộ hay điều chỉnh tổng thể. Khi điều chỉnh phải đúng trình tự thủ tục, đúng quy trình và đặc biệt là tổng duyệt.
 
Nói như vậy có nghĩa là việc điều chỉnh quy hoạch và phá vỡ quy hoạch như hiện nay là do yếu tố khách quan, do phát triển kinh tế xã hội chưa đúng chứ không phải do cục quản lý chưa chặt chẽ?
 
Điều chỉnh không phải là sai mà là cần thiết. Tại sao có những nước rất ít điều chỉnh, có khi quy hoạch cách đây vài chục năm vẫn không có gì thay đổi. Nhưng ở Việt Nam có khi vừa làm xong đã thấy rất nhiều chuyện xảy ra. 
 
Hiện nay nền tảng để quy hoạch là kinh tế xã hội nhưng thậm chí quy hoạch kinh tế xã hội của quốc gia cũng chưa có. Nói như thế không có nghĩa là cái nọ đợi cái kia rồi không làm được việc gì cả. 
 
Nhiều khi quy hoạch không gian phải đi trước một bước, sau đó quay trở lại hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế xã hội. Phát triển kinh tế xã hội rồi lại rà soát lại quy hoạch không gian để cho phù hợp với sự tăng trưởng. 
 
Ví dụ Hà Nội năm 1998, quy hoạch năm 1998 là quy hoạch được thủ tướng chính phủ duyệt tại quyết định 108. Nhưng 4 năm sau mới có quyết định 60 phê duyệt chiến lược kinh tế xã hội của thủ đô. Lẽ ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội phải có trước rồi mới quy hoạch không gian. Cho nên trên thực tế ở Việt Nam có những tình huống trái ngược như vậy, không gian đi trước rồi mới ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội. 
 
Vì vậy, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết và phải đúng pháp luật, đúng trình tự thủ tục, đúng thẩm quyền. Và đặc biệt là sự cần thiết và lý do điều chỉnh phải chính đáng. 
 
Thực tế hiện nay có nhiều quy hoạch lập ra nhưng không thực hiện và nhiều địa phương tự ý điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của chủ đầu tư các dự án. Cục giải thích như thế nào về hiện tượng này?
 
Thực trạng có nhiều quy hoạch làm ra mà không thực hiện là không đúng, quy hoạch làm ra là phải thực hiện, vấn đề là thực hiện được nhiều hay ít, thực hiện được đến đâu. Chứ không thể quy hoạch vẽ ra rồi bỏ. Mục tiêu làm quy hoạch là để thực hiện. 
 
Quy hoạch từ khi làm ra đến khi được cấp thẩm quyền ký, đóng dấu, phân công thực hiện coi như là xong. Vấn đề còn đang yếu của chúng ta hiện nay là việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo được quy hoạch đó. Điều này dẫn đến một tình trạng phá vỡ quy hoạch ... Thực trạng này diễn ra ở tất cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng ... các, đô thị loại 1 và loại 2. 
 
Căn cứ vào vết loang của đô thị như vậy nên bốn phương tám hướng, lúc nào nhà đầu tưcó nhu cầu là chính quyền chấp nhận hết, đây là một bức tranh thực tế.
 
Nói về góc độ đô thị, hiện nay có 3 loại: quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư nông thôn. Trong đó quy hoạch đô thị đã được nâng lên tầm luật rồi. Hai quy hoạch còn lại nằm trong Luật Xây dựng vừa được thông qua. Như vậy nói đến quy hoạch vẫn có 2 luật chi phối. Trong tương lai chắc cúng phải gộp thành một luật.
 
Hiện nay khi có được quy hoạch chung, nó chỉ là những vấn đề chung nhất của đô thị mang tính nguyên tắc và định hướng để xây dựng các chương trình kinh tế xã hội. Định hướng trong vòng 10 năm, 20 năm thậm chí xa hơn nữa. 
 
Khi có được quy hoạch chung, lập tức dàn hàng ngang, những vết loang đô thị, chỗ nào cũng có thể đánh dấu chéo để giới thiệu dự án. Cho nên dẫn đến giai đoạn vừa qua là đầu tư theo kiểu phong trào, dàn trải. Tất cả những cái đó không xuất phát từ nhu cầu phát triển đô thị và đặc biệt là nguồn lực để thực hiện nó. Cho nên mới có câu chuyện các dự án đánh dấu hết, chiếm chỗ hết, nhưng không có mấy cái được thực hiện. Đấy chính là do đầu tư không có chương trình, không có kế hoạch. Và đặc biệt là không tập trung được nguồn lực để thực hiện.
 
Cái sai nhất ở đây là dựa trên vết loang đô thị của định hướng quy hoạch chung để đánh dấu chéo, giới thiệu dự án. Không có nguồn lực để thực hiện dẫn đến tình trạng quy hoạch treo.
 
Nhận ra được thực trạng đó, là cơ quan quản lý trực tiếp về vấn đề này, chắc hẳn Cục Quy hoạch và phát triển đô thị phải có giải pháp để khắc phục?
 
Để khắc phục tình trạng đó, vừa rồi Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị định 11 quản lý đầu tư phát triển đô thị. Có thể nói đây là một nghị định toàn diện nhất từ trước đến nay, quản lý từ khâu lập quy hoạch, hình thành dự án, tổ chức thực hiện dự án, quản lý phát triển đô thị theo dự án một cách đồng bộ. Hiện nay các địa phương đang tiến hành theo nghị định này. 
 
Kiểu đầu tư dàn trải theo phong trào, không có trọng tâm trọng điểm rất lãng phí nguồn lực, không quản lý được đô thị, không hình thành được đô thị. 
 
Mục đích của nghị định 11 là từng bước lập lại trật tự, đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch. Công khai hóa các dự án để các nhà đầu tư có điều kiện tìm cơ hội đầu tư của mình. Thực hiện được theo quy hoạch và kế hoạch thì sẽ không có các dự án ma. Sau hơn một năm thực hiện nghị định 11 hiện nay chúng tôi đang tiến hành kiểm tra các thành phố lớn 
 
Xin cảm ơn ông!
 
Như Trâm (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo