Thị trường

Vốn ngân hàng đổ mạnh vào trái phiếu

Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng đổ mạnh tiền vào trái phiếu cho thấy lối thoát cho tín dụng vẫn bế tắc.
Câu chuyện thừa vốn, bí đầu ra buộc các ngân hàng phải dồn vốn vào mua trái phiếu Chính phủ (để giảm áp lực trả lãi vay cho người gửi tiền) một lần nữa đã lặp lại. Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng đổ mạnh tiền vào trái phiếu cho thấy lối thoát cho tín dụng vẫn bế tắc.

Đổ xô mua trái phiếu

Số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 2, đã tổ chức 7 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ và huy động được 25.070 tỷ đồng. Trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 23.000 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 1.250 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 820 tỷ đồng.

 

Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng cộng hơn 35.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã được huy động thành công. So với kế hoạch huy động 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư (thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ huy động trên thị trường nội địa trong năm 2014), việc huy động được lượng tiền lớn như vậy là thành công lớn.

Thông tin từ HNX cho thấy, các ngân hàng vẫn là khách hàng chính đầu tư vào trái phiếu Chính phủ với tỷ lệ trúng thầu đạt tới 80%, tương đương gần 30.000 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm. Hầu hết các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Maritime Bank, VIB... đều tham gia đầu tư trái phiếu Chính phủ trong các phiên đấu thầu.

Không chỉ dồn tiền mua trái phiếu Chính phủ, nhiều ngân hàng cũng đang đẩy mạnh săn tìm các trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực vốn thừa, nhưng cho vay được ít. Tuy nhiên, cùng với việc lãi suất huy động đang có xu hướng giảm thêm, lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ trong 7 phiên (đấu thầu) vừa qua cũng liên tục giảm. 

Theo đó, lãi suất huy động của trái phiếu kỳ hạn 2 năm hiện dao động trong khoảng 6,15%-6,58%/năm, trái phiếu 3 năm trong khoảng 6,70%-7,84%/năm, 5 năm trong khoảng 7,67%-9,00%/năm và 10 năm là 8,88%/năm. Nhìn chung lãi suất giảm từ 0,32-0,62%/năm so với lãi suất huy động của đầu năm 2014.

Trúng lớn

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 của các ngân hàng cho thấy, hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ trong năm đã góp phần mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Một số ngân hàng đã thu lãi hàng nghìn tỷ đồng nhờ việc chuyển gánh nặng trả lãi từ người gửi tiền sang Chính phủ. Ví dụ tại Vietcombank, thu nhập từ chứng khoán nợ, gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã giúp ngân hàng thu được tổng cộng 5.512 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước đó. 

Còn tại BIDV, với 47.400 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, năm 2013 ngân hàng này thu được khoản tiền 6.400 tỷ đồng. Nguồn thu từ khoản đầu tư an toàn, hiệu quả cao này đạt mức tăng trưởng 31% so với năm trước đó và cao hơn gấp rưỡi tốc độ tăng lợi nhuận trước thuế của cả ngân hàng. Ngân hàng Vietinbank, trong năm 2013 thu tổng cộng 8.543 tỷ đồng từ chứng khoán nợ.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TPHCM cho biết, đầu tư trái phiếu Chính phủ trong năm qua, có những thời điểm, được coi là cứu cánh duy nhất với nhiều ngân hàng. Bản thân ngân hàng ông cũng rót hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào trái phiếu. “Vốn huy động từ người dân và tổ chức vẫn tăng đều, trong khi cho vay ra gặp khó khăn hầu hết cả năm. 

Các ngân hàng liên tục phải đối mặt với việc giành giật khách hàng tốt để cho vay. Vì vậy, dù đầu tư trái phiếu mang lại lợi nhuận thấp hơn so với hoạt động cho vay thương mại, nhưng lại rất ổn định. Đặc biệt, rót tiền vào đây thì an tâm tuyệt đối, không phải lo nợ xấu do việc trả nợ là Chính phủ. Tình huống đầu tư bất đắc dĩ này trong năm 2014 đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại”, vị này cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, đầu tư nhiều vào trái phiếu Chính phủ trong bối cảnh các ngân hàng dư vốn, tín dụng tăng trưởng âm, được coi là kênh phân tán rủi ro (giúp ngân hàng giảm nhẹ gánh nặng trả lãi suất). Việc đầu tư quá nhiều cho thấy tình hình hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Vốn không chảy vào những lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích.

Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây. Đa số kỳ hạn trúng vào 3 năm với mức lãi suất 7-8%/năm. “Bản thân các ngân hàng không muốn điều này. Ai cũng muốn đồng tiền sinh ra lợi nhuận cao nhất, nhưng với tình hình hiện nay, lãi thấp còn hơn tiền nằm chết trong kho ngân hàng.

Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cũng không muốn các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu quá nhiều mà muốn định hướng tín dụng vào những chỗ mà nhà nước và Chính phủ ưu tiên”, ông nói.

Thận trọng với rủi ro

 

Về việc lãi suất huy động giảm, ngân hàng đổ tiền mua trái phiếu để giảm áp lực tắc vốn cho vay, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, đầu năm thường là thời điểm các ngân hàng dồn nhiều tiền vào trái phiếu trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng âm, lượng tiền gửi dồi dào.

Tuy nhiên do đông khách mua, lãi suất trái phiếu Chính phủ vì thế cũng giảm mạnh. Ở kỳ hạn 2 năm, lãi suất thấp nhất chỉ 6,15%, cao nhất cũng chưa đến 7%/năm, thấp hơn trần lãi suất huy động hiện nay.

“Việc ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp là hết sức bình thường. Điều quan trọng là Chính phủ phải sử dụng nguồn lực đó như thế nào. Thực tế, trong rất nhiều đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thành công, do chậm giải ngân, tiền trái phiếu đi vào kho bạc, sau đó lại gửi ngược vào các ngân hàng thương mại.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư khiến nhà nước thiệt hại đúp, vừa mất tiền trả lãi cho ngân hàng, vừa không đẩy nhanh tiến độ dự án”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng cho biết.

Cũng theo vị này, với các ngân hàng, khi đầu tư vốn vào trái phiếu Chính phủ phải hết sức cân nhắc. Nếu dùng quá nhiều nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư vào trái phiếu (nhất là trái phiếu có kỳ hạn dài), trong khi thị trường trái phiếu chưa có đủ độ thanh khoản cần thiết, rất có thể đem lại những rủi ro cho hệ thống./.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo