Thị trường

Vốn ngân hàng hồi sinh kinh tế biển

Việc Agribank triển khai chính sách tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đã tạo động lực, khuyến khích ngư dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành thủy sản, tăng năng lực và số lượng đội tàu khai thác xa bờ.

Về vùng biển Gio Linh (Quảng Trị), ngắm nhìn đội tàu trọng tải lớn với màu sơn mới rực tươi trong nắng sớm đang neo đậu san sát bên cầu cảng, hít sâu hương vị đặc trưng nồng nàn từ những khoang cá đầy tràn vừa trở về sau chuyến đánh bắt ban đêm, nghe những thanh âm lao xao của tiếng sóng vỗ xen lẫn tiếng cười nói rộn rã của chủ tàu và các tiểu thương mua hàng… chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ đang trở lại trên vùng biển Quảng Trị - nơi hơn một năm trước chịu cảnh đìu hiu bởi ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển.

Nguồn vốn tín dụng Agribank góp phần tăng năng lực và số lượng đội tàu khai thác xa bờ.

Được mùa cá

Dọc theo tuyến đường về biển Cửa Việt, ngang qua thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt (Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nhìn đâu cũng thấy một màu trắng lấp lóa của cá cơm. Hầu như tất cả những chỗ đất trống đều được bà con ngư dân tận dụng làm chỗ phơi cá. Sau khi chỉ đạo tốp nhân công trải mẻ cá mới hấp ra phơi, chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt niềm nở cho biết, từ đầu năm nay, biển Cửa Việt liên tục được mùa, nhộn nhịp đông vui hẳn. Cứ cách ngày một, các tàu đầy cá cơm, cá nục lại cập bến. Bình quân mỗi tàu một chuyến đánh bắt từ 1-2 ngày được khoảng độ 3-5 tấn cá cơm, ngày nắng bán với giá 22.000 đồng/kg, ngày mưa bán với giá 15.000 đồng/kg, thu về khoảng từ 60-100 triệu đồng.

Cùng các chị em thoăn thoắt đảo cá trong các dỹ phơi, chị Trương Thị Lan chia sẻ, ròng rã hơn một năm kể từ thời điểm (tháng 4/2016) xảy ra sự cố môi trường biển Formosa gây ra, cuộc sống của nhiều gia đình ở các vùng biển Quảng Trị lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu, phải chạy ăn từng bữa. Các hoạt động ở khu vực này, từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến cho đến các hoạt động dịch vụ hậu cần phục vụ khách tham quan, du lịch đều bị ngưng trệ hoàn toàn.

Nhờ những chính sách kịp thời của Chính phủ nên từ độ giữa năm 2017 đến nay, biển dần được hồi sinh, cuộc sống vùng biển từng bước trở lại ổn định, các chuyến đi biển trở về trên các khoang tàu đều đầy ăm ắp tôm, cá như phần nào bù đắp nỗi cơ cực của người dân giai đoạn vừa qua.

Sản phẩm cá cơm, cá nục là thành quả đánh bắt của các tàu có công suất nhỏ và vừa, chuyên khai thác ven bờ với thời gian ngắn 1-2 ngày mỗi chuyến, mỗi năm có hai vụ từ tháng 6 đến tháng 8 và từ tháng 11 đến hết tháng 2 âm lịch. Còn những tàu có công suất lớn như tàu của ngư dân Võ Văn Huynh (khu phố 5 thị trấn Cửa Việt), ngư dân Lê Văn Tuấn (thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt) mỗi chuyến đánh bắt xa bờ 7-10 ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, thu về những mẻ cá lớn có giá trị cao hơn. Kể từ khi được Agribank cho vay 2 tỷ đồng đầu tư nâng cấp tàu vỏ gỗ công suất trên 700 CV nghề lưới rê bùng nhùng đến nay, chuyến biển nào tàu của ngư dân Võ Văn Huynh cũng thu về 200-300 triệu đồng, đặc biệt chuyến biển ngày 27 Tết đánh bắt được 2 tấn cá thu trị giá trên 500 triệu đồng.

 

Nổi tiếng là ngư dân “sát cá” khi trúng đậm mẻ cá bè xước 160 tấn trị giá trên 5 tỷ đồng vào tháng 3/2017, anh Lê Văn Tuấn phấn khởi cho biết, chuyến đi biển ngày cận Tết tàu anh đánh bắt được 5 tấn cá bè xước bán với giá cao gấp đôi ngày thường, trừ chi phí còn lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Thấy được những tiềm năng, lợi ích từ việc đầu tư tàu có công suất lớn để mở rộng ngư trường khai thác, gia đình anh bàn nhau góp vốn và vay thêm Agribank phần thiếu để mua thêm một tàu công suất trên 700 CV cho người em trai cùng vươn khơi làm kinh tế. Trước đó, gia đình anh vay Agribank hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp tàu. Nhờ thu nhập từ các chuyến đi biển đã trả đầy đủ nợ đến hạn và có tích lũy để chuẩn bị làm nhà cao tầng.

Ông Phan Hồng Hải, Giám đốc Agribank Gio Linh cho biết, những năm trước đây, được sự hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng của Agribank, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu có công suất cao hơn để vươn khơi xa, mang lại thu nhập cao hơn. Đặc biệt từ khi Agribank Quảng Trị triển khai cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), nhiều hộ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép, vỏ gỗ có công suất, trọng tải lớn, vươn ra đánh bắt ở các ngư trường rộng lớn như vịnh Bắc bộ, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay, toàn huyện có 770 tàu thuyền với công suất 55.000 CV, trong đó tàu xa bờ 157 chiếc, tàu dưới 90 CV có 453 chiếc, còn lại là tàu và thuyền thúng không động cơ. Tổng sản lượng khai thác bình quân mỗi năm đạt trên 14.000 tấn.

Tiếp sức cho ngư dân bám biển

Dẫn chúng tôi về cảng Cửa Việt để “mục sở thị” các tàu có trọng tải lớn do Agribank Quảng Trị đầu tư vốn, ông Trương Công Dũng - Phó giám đốc phụ trách tín dụng cho biết, tại Quảng Trị, UBND tỉnh đã phê duyệt 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới (theo chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 118 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Đến 31/12/2017 đã có 25 tàu cá đóng mới và 93 tàu nâng cấp được vay vốn tại các TCTD trên địa bàn. Là NHTM Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực ngư nghiệp, Agribank Quảng Trị đã tiên phong trong thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67.

Đến thăm con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đồ sộ của ngư dân Võ Văn Hữu cũng là tàu vỏ thép hiện đại đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và được Agribank cho vay số tiền trên 16 tỷ đồng. Đến nay, sau 10 chuyến đi biển, quá trình vận hành tàu hậu cần dần đi vào ổn định, nhiều chuyến biển mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Mới đây, sau chuyến đánh bắt ở ngư trường biển Đông, gia đình ông thu về 200 triệu đồng. Mỗi thuyền viên trên tàu thu nhập 10-15 triệu đồng/chuyến biển.

 

Ông Trương Quang Tuyến, Giám đốc phòng giao dịch Bắc Cửa Việt cho biết, vốn tín dụng tại phòng giao dịch tập trung chủ yếu cho các hộ ngư dân vay vốn để đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền có công suất nhỏ và vừa, mua sắm các phương tiện lưới rê bùng nhùng, lưới vây đánh bắt trung bờ và gần bờ. Việc đầu tư phát triển kinh tế biển được thực hiện theo hướng khép kín nhằm gia tăng hiệu quả cũng như giảm thiểu rủi ro trong tín dụng.

Nhờ có sự chuẩn bị và quyết tâm cao ngay từ khi triển khai Nghị định 67 nên chi nhánh đã có sự chủ động trong việc thẩm định, giải ngân cho vay đối với các chủ tàu đủ điều kiện. Cán bộ tín dụng Agribank đã đồng hành cùng khách hàng ngay từ khi hình thành dự án, cùng khảo sát, tìm hiểu và chọn các cơ sở đóng tàu có kinh nghiệm, có uy tín, đặc biệt là trong quá trình đóng mới các tàu vỏ thép từ khi đặt ký cho đến lúc bàn giao, hạ thủy tàu, đảm bảo giải ngân đúng mục đích, đúng tiến độ.

Thực tế thời gian qua cho thấy, đại đa số các tàu đưa vào khai thác đều mang lại hiệu quả cao, nhiều chuyến biển thu về hàng tấn hải sản các loại, trừ chi phí mang lại lãi ròng 200 - 300 triệu đồng cho các chủ tàu.

Song song với việc đầu tư cho vay các phương tiện đánh bắt, đơn vị còn chú trọng đầu tư tín dụng phát triển các cơ sở chế biến cá và kho đông lạnh, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế vùng biển, từng bước hiện đại hóa ngành nghề thủy hải sản, tạo công ăn việc làm ổn định không chỉ cho những người trực tiếp đi biển mà cả chuỗi những người lao động trên bờ, nâng cao thu nhập cho bà con vùng biển.

Nghị định 67 là một chính sách lớn của Chính phủ, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy hoạt động khai thác xa bờ nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm khai thác, phù hợp với nguyện vọng của người dân và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Việc Agribank triển khai chính sách tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đã tạo động lực, khuyến khích ngư dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành thủy sản, tăng năng lực và số lượng đội tàu khai thác xa bờ. Nhiều tàu vỏ thép công suất lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại được ngư dân mạnh dạn đầu tư và áp dụng các kỹ thuật mới trong khai thác để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sau thu hoạch.

Tuy nhiên, để kinh tế biển ngày càng phát triển, không chỉ cần đến nguồn vốn tín dụng mà cần thiết phải có sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành về chính sách hỗ trợ người dân vùng biển phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản để giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo