Vốn ngoại sẽ vẫn “săn” cổ phiếu lớn
Bán ròng vì sao?
Quan sát thị trường cho thấy, có một số lý do để giải thích việc bán ròng của khối ngoại. Thứ nhất, có khả năng đây chỉ là hoạt động chốt lời, vì chỉ trong một thời gian ngắn từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng đến 92,3 điểm, tương đương 18,3%. Như vậy, nếu thị trường tiếp tục đi lên vượt mốc 600 thì việc chốt lời của khối ngoại được dự đoán sẽ vẫn còn diễn ra.
Thứ hai, chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ với giá trị tài sản ròng (premium) của 2 quỹ đầu tư chỉ số là FTSE Vietnam và Vaneck Market Vectors Vietnam đã giảm xuống còn khoảng 1 - 2% so với cao điểm khoảng 10% hồi cuối năm 2013, đầu năm 2014. Điều đó khiến cho việc phát hành thêm chứng chỉ quỹ này tại thị trường nước ngoài cũng như khả năng mua ròng các cổ phiếu thành phần tại Việt Nam giảm đi.
Thứ ba, dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi vẫn chưa kết thúc, đặc biệt với lo ngại ngày càng gia tăng trước những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Theo CTCP VPBS, khi VN-Index tiến lên vùng kháng cự tâm lý 600 điểm và chưa có dấu hiệu vượt qua nó, thị trường đã xuất hiện một lực bán nhất định vào giữa phiên giao dịch buổi chiều ngày cuối tuần. Công ty này đánh giá, đây là động thái chốt lãi của một bộ phận nhà đầu tư khi chỉ số chưa chinh phục được ngưỡng 600 điểm.
Cũng đánh giá về thị trường, CTCK MBS cho rằng, về kỹ thuật, VN-Index đang thử lại vùng kháng cự tâm lý 600 điểm với khối lượng giao dịch ở mức cao trên 100 triệu đơn vị cho thấy dòng tiền ngắn hạn vẫn khá dồi dào.
Theo MBS, khả năng tạo đỉnh hoặc điều chỉnh giảm sâu chưa xảy ra, mà khả năng nghiêng về xu hướng lình xình tăng/giảm đan xen quanh vùng 585-590 tích lũy ngắn trước khi vượt qua vùng 600 điểm trong thời gian tới.
Về động thái của khối ngoại, MBS nhận định, dù xu hướng bán ròng vẫn chưa kết thúc, nhưng khả năng nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn sẽ thu hút dòng vốn đầu tư từ khối ngoại, đặc biệt là từ 2 quỹ đầu tư chỉ số.
Vốn ngoại sẽ ở lại Việt Nam
Khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo suy thoái kinh tế ở các nước phương Tây đã khiến các dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy qua các thị trường mới nổi để tìm kiếm cơ hội. Nhưng ngay khi các nền kinh tế phát triển có dấu hiệu phục hồi, thể hiện qua việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định thu hẹp gói kích thích tiền tệ kể từ tháng 5/2013, các dòng vốn này lại tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và chảy về “thế giới giàu có”.
Dòng vốn chảy ra khỏi các quốc gia đang phát triển chưa dừng lại, nhưng được dự báo sẽ sớm kết thúc. Dữ liệu lịch sử cho thấy, sẽ mất khoảng 40 - 50 tuần để chu kỳ này kết thúc, và nếu lịch sử lặp lại thì khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 tới, việc rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, đến lúc đó, có thể các quỹ đầu tư sẽ phải “ngoái đầu” nhìn lại châu Á, khi mà tình hình kinh tế và chính trị của các nước thuộc khu vực này trở nên ổn định hơn.
Trong bức tranh chung đó, Việt Nam được coi là vùng trũng đối với các dòng vốn ngoại, đặc biệt khi Thái Lan đang gặp bất ổn chính trị, Indonesia sắp bầu cử tổng thống với dự báo có nhiều thay đổi sau bầu cử, trong khi cổ phiếu tại Philippines đã trở nên tương đối đắt đỏ. Trung Quốc cũng đang đối mặt với sự xấu đi của chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI...
TTCK Việt Nam đã tăng xấp xỉ 22% trong năm 2013 và tăng thêm 18,3% kể từ đầu năm 2014 đến nay và đang được nhiều người kỳ vọng xu hướng tăng sẽ tiếp diễn. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam nổi bật ở tình hình kinh tế và chính trị ổn định. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước được nhiều nhà đầu tư lớn theo dõi sát sao và đánh giá tích cực hơn.
Về việc nới “room” cho các NĐT nước ngoài, dù không ít lần khiến thị trường phải hụt hẫng, nhưng chuyên gia phân tích của một CTCK cho rằng, khi quyết định nới “room” chính thức được ban hành, nó vẫn có thể thu hút một số quỹ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tổ chức đầu tư lớn quan tâm đến các cổ phiếu như VNM, REE, DHG, FPT, BMP… nhưng không thể đầu tư vì đã hết “room”.
Tính chung, giá trị mua ròng của các NĐT nước ngoài từ đầu năm đến nay đã đạt khoảng 133 triệu USD, bằng 40% của cả năm ngoái. Trong khi các quỹ ETFs vẫn là người đóng góp phần lớn, theo thống kê của CTCK Bản Việt là 58 triệu USD, nhiều quỹ đầu tư khác cũng đã tham gia tích cực hơn.
Không phải bỗng dưng mà Marc Faber, người được mệnh danh là “nhà đầu tư huyền thoại” thế giới, đã nhắc đến Việt Nam trong những cuộc trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình quốc tế chỉ trong một thời gian ngắn gần đây.
Lần trả lời phỏng vấn vào cuối năm 2013, Marc Faber đã đưa ra 3 nhận định về tình hình đầu tư trên thế giới trong năm 2014, trong đó ông cho rằng, đầu tư dài hạn tốt nhất là vàng, cổ phiếu các công ty vàng và chứng khoán Việt Nam.
“Tôi nghĩ, mức tăng 22% của TTCK Việt Nam trong năm 2013 là không tồi đối với một thị trường mới nổi và nó sẽ còn tiếp tục cao hơn”, ông nói.
Rõ ràng, dù VN-Index đã lên đến 600 điểm và xu hướng bán ròng của khối ngoại là có thật, nhưng sự lạc quan vẫn đang bao trùm thị trường. Hy vọng, sự lạc quan sẽ dẫn dắt dòng vốn ngoại chọn Việt Nam là một “điểm đến”, thay vì chỉ là một “trạm dừng chân”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo