Thị trường

Vốn ngoại vào ngân hàng Việt: Mạnh lên cả tiếng lẫn miếng

Nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp chi những khoản lớn, sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phần ngân hàng Việt...

Ngày 12/3, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố thông tin về khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus.

Với hơn 370 triệu USD, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tiếp tục đón khoản đầu tư lớn từ khối ngoại, sau sự trở lại ấn tượng trong năm 2017.

Vốn ngoại chảy mạnh vào ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc. Ảnh: Quang Phúc.

Trước Techcombank, trong năm 2017, thị trường đã chứng kiến liên tiếp những thương vụ lớn và thành công từ dòng chảy này, như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 250 triệu USD, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) với 300 triệu USD, hay thành viên có quy mô nhỏ hơn là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) với 40 triệu USD.

Thành công, vì hầu hết các thương vụ này nhà đầu tư nước ngoài đều sẵn sàng trả giá cao, tạo nên những khoản thặng dư lớn mà đã chục năm trôi qua nhiều ngân hàng Việt khó lòng tạo được.

Điểm chung, những thành viên trên đều đón vốn ngoại vào "đặt chỗ" trước, chờ triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc và sôi động.

 Loạt thương vụ trên cũng đã để lại sau lưng một dòng chảy ngược cũng vừa có gần một năm trước: một bộ phận vốn ngoại, trong lĩnh vực ngân hàng, chia tay thị trường.

Gần một năm trước đó, với loạt ngân hàng ngoại thoái vốn…, có nhiều thông tin bình luận xen lẫn những quan ngại nào đó về thị trường và tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.

 

Tuy nhiên, có một nguyên do khách quan, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn thường cũng chính là định chế tài chính đã và đang thiết lập kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam; họ hạn chế yếu tố xung đột trong cạnh tranh.

Có trường hợp, vốn đảo chiều theo chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ thay đổi.

Có trường hợp khá ồn ào, nhưng chính ở Techcombank khi cổ đông lớn nước ngoài nói lời chia tay đầu quý 3 năm ngoái.

Bên cạnh các nguyên do trên, một người trong cuộc am hiểu cho rằng, vốn ngoại thoái lui khi đó không có gì đáng ồn ào, và rất bình thường. Bởi lẽ, có một nguyên nhân chính ít được nói tới: việc tuân thủ chuẩn mực mới của Basel 3, ngân hàng mẹ phải có dự phòng đối ứng cho những khoản đầu tư ở nước ngoài; cân nhắc chi phí đối ứng này, một số trường hợp đã quyết định thoái vốn.

Nhưng nay, nối tiếp diễn biến 2017 và khởi động 2018, những khoản đầu tư quy mô lớn cùng mức độ trả giá cao cho thấy một bộ phận ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.

 

Loạt thương vụ trên thậm chí có thể trở thành một làn sóng, khi mới đây đã có nhà đầu tư "đánh tiếng" kế hoạch đến với một ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa; hay cả tình huống nới "room" sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài được hâm nóng trong các dòng chảy thông tin gần đây…

Dễ thấy, song song với những khoản đầu tư lớn, thặng dư lớn, "cái tiếng" về chất lượng các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung cũng liên tục được cải thiện, nâng hạng thời gian gần đây.

Cùng với hạng mức tín nhiệm quốc gia, trong năm 2017 và đầu 2018, các tổ chức như S&P, Moody's và ngay đầu tháng 3 này là Fitch đều đã lần lượt nâng hạng một số ngân hàng thương mại Việt Nam theo các chỉ tiêu cụ thể.

Sau giai đoạn đầu tái cơ cấu hệ thống với nhiều khó khăn (2011-2015), hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang ở giữa giai đoạn hai tái cơ cấu (2016-2020) với những nét chuyển động mới và sáng hơn, mà vốn ngoại "gật đầu" nhiều hơn, mạnh hơn có thể xem là một kết quả kiểm định.

Nên đọc
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo