VTV 24h so sánh cổ động viên với “hổ đói”: “Xúc phạm người yêu bóng đá”
Tối 20/1, tại Chương trình chuyển động 24h phát trên kênh VTV1, phát thanh viên đọc lời dẫn đã so sánh hành động chen lấn chờ mua vé bóng đá trận Hải Phòng - Hoàng Anh Gia Lai của khá giả, cổ động viên với “hổ đói”.
Nguyên văn đoạn so sánh người mua vé với "hổ đói" như sau: “Nếu những chiếc vé là món mồi ngon thì có lẽ phải ví những người mua vé là những chú hổ đói. Một so sánh vui để thấy rằng nhu cầu mua vé để xem trận đấu ngày mai trên sân Lạch Tray đang lớn thế nào”.
Đặc biệt, như để người xem truyền hình có thể so sánh trực quan giữa người mua vé và những “chú hổ đói”, người dựng hình đã cố ý để 2 bức ảnh: người mua vé và con hổ cạnh nhau. Điều này khiến cho nhiều người bất bình khi nhà đài đã lại ví con người với con vật, mà ở trạng thái "con vật nhất, bản năng nhất”- đang đói.
Ngay trong tối qua, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Văn Quang, Giảng viên Báo chí, đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS Hoàng Văn Quang đã bày tỏ thái độ sửng sốt trước phát ngôn phản cảm như vậy. Theo ông đây là một sai sót khó chấp nhận.
Ông chia sẻ: “Cổ động viên thể thao họ có niềm đam mê, tình yêu bóng đá, dù họ có làm quá thì cũng không thể so sánh họ với động vật được, nhất là so sánh với con vật đang trong lúc đói. Điều này thể hiện sự hiểu biết, độ nhạy cảm ngôn từ của kíp làm chương trình đó có vấn đề. Phát ngôn như vậy là xúc phạm tình cảm, vi phạm nguyên tắc về đạo đức…”
TS Hoàng Văn Quang cũng chia sẻ: “Trong thực tiễn giảng dạy, tôi cũng thấy nhiều PV, MC, BTV truyền hình còn quá trẻ, còn chưa có nhiều vốn sống, kinh nghiệm ứng xử, nhất là ứng xử trên truyền hình”.
Lý giải nguyên nhân này, TS Hoàng Văn Quang cũng nhấn mạnh cần có cơ chế nào để không còn tình trạng như vậy, phải tinh lọc các kênh truyền hình và phải hướng đến chất lượng chứ không thể phát triển ồ ạt.
Chuyên gia ngôn ngữ học PGS. TS Phạm Văn Tình trao đổi với PV infonet:
Sau khi theo dõi chương trình, ông có thể cho biết quan điểm của mình về hình ảnh so sánh người mua vé với "hổ đói"?
Đây là một hình ảnh so sánh không hề phù hợp và chắc chắn sẽ gây phản cảm đối với những người xem, chưa kể đối với riêng những người đi mua vé đó.
Theo ông, hình ảnh này có theo tinh thần đưa thêm thông tin không?
Thực ra cơn sốt bóng đá lâu nay vẫn diễn ra ở Việt Nam kể cả những trận cầu hấp dẫn về mặt chuyên môn hay đơn giản có những trường hợp vì thị hiếu, hiếu kỳ ngoài chuyên môn bóng đá. Và chuyện người dân chen chúc trong cơn sốt vé cũng là một chuyện bình thường. Trừ trường hợp một câu chuyện nào đó quá đáng hay do thái độ tiêu cực trong việc mua vé hay phục vụ của người bán vé có những hành vi không đẹp.
Việc đưa hình ảnh so sánh này ra trong chương trình theo tôi có phần hơi bêu riếu và không được đúng. Hình ảnh này dễ dẫn đến một liên tưởng rõ ràng là không đẹp và đầy tính coi thường bởi mang súc vật ra để so sánh với hình ảnh con người. Không ai lại đưa hình ảnh súc vật ra để so sánh bất kỳ chủ thể nào liên quan đến con người, bởi như thế là hạ thấp con người ta vô cùng.
Thậm chí, ngay cả trường hợp họ là những người mua vé có những hành vi hồ đồ, không được đẹp, hay có là phe vé đi chăng nữa thì cũng không thể đem súc vật ra so sánh với người ta được, bởi họ cũng là con người mà.
Trong tất cả các vấn đề, ngay cả ở tục ngữ thành ngữ, khi mà đã mang súc vật ra rồi là đã hạ thấp chủ thể được so sánh một cách rất rõ nét.
Do đó, việc đưa hình ảnh này theo tôi đánh giá là một sự tùy tiện và có tính xúc phạm.
Cũng là một người rất đam mê bóng đá, giả sử nếu chính ông là một trong những người đi mua vé đó, bị chụp ảnh và mang ví như những con hổ này thì ông cảm thấy như thế nào?
Tôi cũng là một người đam mê bóng đá và đã đam mê thì không phân biệt ai cả. Và khi muốn được xem trận bóng mà mình thích thì ai cũng muốn giành lấy cho mình một tấm vé. Tôi cũng thế.
Nếu tôi là người bị đưa hình ảnh kèm theo hình ảnh so sánh với súc vật như thế thì với tôi đó là một sự xúc phạm ghê gớm. Đó là chưa nói đến niềm kiêu hãnh của những người yêu thể thao chân chính (trong số người chen chân mua vé) sẽ bị tổn thương rất lớn.
Tôi tin rất nhiều người trong số đó đến đấy mua vé với một sự vô tư, trong sáng thì không biết họ sẽ còn nghĩ gì nữa bởi tôi đánh giá họ đã bị chương trình xúc phạm.
Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến một hình ảnh so sánh người và súc vật như ông nói là một sự xúc phạm lại có thể được đưa lên đài truyền hình quốc gia?
Đây là những sai lầm mà tôi cho là mang tính ấu trĩ trong tác nghiệp truyền thông. Về mặt nghiệp vụ truyền thông rõ ràng như thế là còn quá non.
Nhưng ngoài cái non về nghiệp vụ đó còn biểu hiện văn hóa yếu kém trong việc đưa thông tin. Truyền thông không thể làm một cách tùy hứng mà các giá trị thông tin mang đến cho khán giả cũng phải có tính văn hóa. Cần phản ánh chân thực, nhưng tôi cho rằng khi đưa ra các góc nhìn nhận cũng phải tôn trọng những người xem.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Tết Âm lịch năm nay có rơi vào đợt rét đậm, rét hại? Thời tiết cụ thể dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ thế nào?
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam