Vụ 7 học sinh chết đuối: Cảnh báo các chuyến dã ngoại
Cái chết đau lòng của 7 học sinh là hồi chuông cảnh báo cho nhiều trường học trong công tác bảo vệ an toàn cho các em khi đi dã ngoại, tham quan.
Đằng sau nỗi đau là sự bức xúc của dư luận xã hội về sự mất an toàn tại bãi biển Cần Giờ, sự vô trách nhiệm của BQL khu nghỉ mát 30/4.
Chuyến du lịch định mệnh
Vụ đuối nước tại Cần Giờ TP.HCM vào ngày 29/12, làm 7 học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương tử vong khiến cho dư luận bàng hoàng. Nỗi đau của các gia đình sẽ rất khó nguôi ngoai bởi sự mất mát này, và đằng sau nỗi đau ấy là những bức xúc của dư luận xã hội về sự mất an toàn tại bãi biển Cần Giờ, sự vô trách nhiệm của Ban quản lý khu nghỉ mát 30/4.
Kỳ nghỉ cuối tuần lại chính là ngày định mệnh của 7 học sinh trường phổ thông trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bình Dương. Gần 7 giờ sáng 30/12, lực lượng chức năng mới tìm đủ thi thể của cả 7 học sinh. Có lẽ số học sinh thiệt mạng sẽ còn cao nếu không có sự tham gia cứu vớt kịp thời của những người dân địa phương.
Cả khuôn viện Bệnh viện Cần Giờ ngập trong sự tang thương khi thi thể cuối cùng của 7 em học sinh bị nước cuốn trôi được tìm thấy.
Gần như ngã quỵ, chị Nguyễn Thị Cẩm Loan chỉ biết ôm thi thể con mình là em Đoàn Minh Tâm trong tiếng khóc nấc. “Sao con lại thế này? Sao lại bỏ mẹ mà đi như vậy hả con?”.
Anh Võ Thanh Tuấn, phụ huynh em Võ Tấn Tài cả đêm thức trắng ngóng tin con, hi vọng điều lành sẽ đến với con mình, nhưng khi nhìn thấy gương mặt con, anh đã ngất lịm trong sự đau đớn đến tột cùng…“Sao lại đi như vậy hả con? Mới hôm qua còn đây, sao giờ con lại bỏ ba mà đi hả con…?”, anh Tuấn chỉ còn biết gọi tên con mình trong sự bất lực và vô vọng.
Đây không phải là lần đầu tiên tại bãi tắm 30/4 của huyện Cần Giờ xảy ra sự việc đau lòng này, mà trước đó tại khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Rất nhiều du khách chứng kiến sự cố khiến 7 học sinh chết đuối cho hay nếu như đơn vị tổ chức chuyến đi thật chặt chẽ và được sự quan tâm từ ban quản lý khu nghỉ mát thì đã không xảy ra sự cố đau lòng này.
Bên cạnh đó lực lượng quản lý cũng như nhân viên cứu hộ cứu nạn tại chỗ tại đây lại khá mỏng và bị động, chỉ vỏn vẹn 12 người chia làm nhiều ca trực vì thế không thể quản lý, nhắc nhở hàng trăm du khách tại bãi tắm. Các cano cứu hộ đều ít sử dụng nên khi có tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ khu vực không phản ứng nhanh và chủ động để ứng cứu kịp thời. Sau khi việc đã rồi thì mọi biện pháp để cứu sống các nạn nhân đều đã quá muộn.
Cảnh báo về các chuyến dã ngoại
Vụ việc đuối nước làm 7 học sinh thiệt mạng một lần nữa là bài học cảnh báo cho các đoàn thể nhà trường cần cẩn trọng hơn trong việc tổ chức các chuyến du lịch dã ngoại tắm biển cho các em học sinh.
Đây cũng là bài học về việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát nhắc nhở du khách về khu vực thiếu an toàn ở các bãi tắm của Ban quản lý khu nghỉ mát 30/4 Cần Giờ và sự lơ là thiếu quan tâm đến các em học sinh của những người làm công tác tổ chức chuyến du lịch này.
Nhiều phụ huynh có con bị chết đuối cho biết, vì trường tổ chức cho các em đi tham quan chiến khu Rừng Sác kết hợp vui chơi tắm biển, có cán bộ giáo viên nhà trường đi cùng nên mọi người cũng yên tâm phần nào và tạo điều kiện cho các em đi. Thế nhưng, không ai ngờ được rằng, sau chuyến đi định mệnh đó, những người con của họ mãi mãi không trở về.
Hoạt động ngoại khóa, tham quan du lịch kết hợp giảng dạy là một trong những yêu cầu trong việc học tập tại các trường học. Các hoạt động này nhận được sự hào hứng của rất nhiều học sinh, giáo viên bởi nó tăng cường sự tương tác, giao lưu, giúp tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, ở nhiều trường học, do thiếu điều kiện bảo vệ an toàn cho học sinh mà các hoạt động này thường bị hạn chế.
Để tổ chức tham quan hay dã ngoại cho các em an toàn, cần nhiều giáo viên tham gia đi cùng, nhưng thường thì một lớp chỉ có giáo viên chủ nhiệm làm được điều này.
Có những nơi, vì thiếu điều kiện, nhà trường không tổ chức được các chuyến dã ngoại mà nhiều khi học sinh tự đi với nhau không thông qua lớp, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ hơn dẫn đến tai nạn, sự cố,...
Học sinh đang ở độ tuổi rất hiếu động, hay nghịch dại, nhiều em thiếu kỷ luật chủ quan nên nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc luôn tiềm ẩn. Vì vậy, để có một buổi hoạt động dã ngoại tốt, các trường nên chọn những địa điểm thuận tiện về giao thông, địa hình bằng phẳng, không nên đưa học sinh vào những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như sông, hồ, núi,…
Ngoài ra, trường phải huy động tối đa lực lượng thầy cô có thể huy động để giám sát các em, cần đi “tiền trạm” trước để có các phương án bảo vệ học sinh của mình. Bên cạnh đó, phải thường xuyên nhắc nhở, nâng cao nhận thức của học sinh trước những hiểm họa như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc,…
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo