Tin tức - Sự kiện

Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: San bằng hiện trường vụ án

Căn nhà hai tầng ở khu đầm đã bị phá sập, mọi đồ đạc đã bị vứt bỏ, cả chị Thương và chị Hiền phải tá túc nhà người em.

 Cưỡng chế một phần hay toàn bộ?

Chiều 10-1, Nguyễn Thị Thương, Đoàn Xuân Quỳnh và Phạm Thị Hiền đã trở về nhà. Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế, căn nhà hai tầng ở khu đầm đã bị phá sập, mọi đồ đạc đã bị vứt bỏ, cả chị Thương và chị Hiền phải tá túc nhà người em.

Chị Hiền cho biết ngày 5-1, UBND huyện Tiên Lãng thực hiện cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đầm theo quyết định do Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền ký ngày 24-11-2011. Quyết định này không nêu việc cưỡng chế thu hồi 21 ha đất còn lại trong khu đầm được huyện giao cho ông Vươn từ năm 1993. Thế nhưng căn nhà hai tầng của vợ chồng chị xây dựng trên phần đất 21 ha chưa trong diện bị cưỡng chế thu hồi đất cũng đã bị đập bỏ.

Dư luận đặt nghi vấn phải chăng việc cưỡng chế đã vượt ranh giới trong quyết định cưỡng chế của huyện? Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, cho biết sau vụ cưỡng chế, xã đã quản lý khu đầm. Khi được hỏi căn nhà bị sập có phải nằm ở diện tích 21 ha không, ông Liêm nói: “Có thể vị trí nhà bị sập nằm trong phần diện tích 21 ha chưa bị cưỡng chế nhưng đây là địa điểm xảy ra vụ án. Gia đình ông Vươn vẫn có thể vào khu vực chưa bị cưỡng chế”.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Hiền tại khu đầm đã bị san phẳng. Ảnh: HUY HOÀNG

Không còn nhà để ở, vợ (phải)chủ đầm Đoàn Văn Vươn phải tá túc nhà người em. Ảnh: HUY HOÀNG

Tuy nhiên, theo chị Hiền, hiện khu đầm có công an xã và một số người lạ mặt cai quản. Gia đình chị và những người dân không được phép vào khu đầm nếu không được những người quản lý cho phép. Thực tế, trưa 10-1, các phóng viên tới đây tác nghiệp cũng bị những người này cản trở, không cho vào và không cho phép chụp ảnh.

Có thể thấy trả lời của Chủ tịch xã Lê Văn Liêm không thỏa đáng, bởi nếu ngôi nhà hai tầng trên không nằm trong khu vực bị cưỡng chế thì dù nó có là hiện trường của vụ án, cũng không ai có quyền phá sập.

Quy định giao đất “trái khoáy”

Như đã thông tin, trong các từ năm 1992-2000, UBND huyện Tiên Lãng đã giao đất bãi biển nuôi trồng thủy sản cho nhiều hộ dân nhưng thời hạn ngắn hơn so với quy định đất nuôi trồng thủy sản được giao 20 năm của Luật Đất đai. Khi hết thời hạn, UBND huyện thu hồi đất không đền bù bởi trong quyết định giao đất nói rõ người dân phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất. Khi được hỏi thời hạn giao đất và điều khoản không bồi thường được huyện căn cứ theo quy định nào của pháp luật, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND huyện Tiên Lãng, cho rằng căn cứ theo hợp đồng giữa người dân và huyện.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có được, các quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản “trái khoáy” của UBND huyện Tiên Lãng được căn cứ theo Quyết định số 497/QĐ-UB quy định về quản lý và sử dụng đất mặt nước vùng bãi bồi ven sông, ven biển do UBND huyện này ban hành ngày 6-10-1993. Theo quy định này, thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản vùng bãi triều nước lợ thời gian giao đất 10-15 năm. Đồng thời, khi hết thời hạn sử dụng đất, chủ sử dụng phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất, vật kiến trúc, xây dựng trong phạm vi đất được giao cho Nhà nước quản lý và sử dụng (không thanh toán giá trị tài sản còn lại). Quy định quản lý và sử dụng mặt nước vùng bãi bồi ven biển của Tiên Lãng có phù hợp với quy định của Luật Đất đai hay không cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Người phát ngôn: Mời ăn cơm chứ không phát ngôn!

Trưa 11-1, sau nhiều lần hẹn liên lạc để lấy thông tin chính thức của UBND TP về vụ cưỡng chế đầm tại Tiên Lãng, ông Phạm Vũ Thư, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng, đã mời các phóng viên tới Trung tâm Hội nghị TP.

Khi các phóng viên đề nghị ông Thư bố trí lịch để cung cấp thông tin vụ cưỡng chế, ông Thư nói: “Tôi còn bận rất nhiều việc nên chưa thể trả lời về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn. TP còn nhiều việc quan trọng”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dư luận đang rất bức xúc, đề nghị TP có phát ngôn chính thức, ông Thư nói: “Anh mời cơm chứ làm việc thì anh không thể làm việc được ngay, chưa thể trả lời, phải có lịch làm việc. Có phải người phát ngôn lúc nào cũng bố trí để trả lời được ngay đâu”.

HUY HOÀNG/Pháp luật TPHCM

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo