Tin tức - Sự kiện

Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng: Ý của huyện là thu hồi rồi cho thuê

Đó là khẳng định của người phát ngôn UBND huyện Tiên Lãng. Muốn chụp ảnh phải có giấy của chủ tịch huyện!

 Sáng 10-1, sau nhiều lần đặt lịch làm việc, các PV đã được gặp ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng đồng thời là người phát ngôn của UBND huyện Tiên Lãng, cũng là người ký thông báo thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn.

 

Thành phố chỉ đạo cưỡng chế

 

 
Ông Khánh nói: “Chúng tôi làm việc cho Nhà nước, là công bộc của dân, vì dân vì nước làm việc thôi”. Về lý do ông Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền né tránh cung cấp thông tin cho báo chí, ông Khánh lý giải: “Chủ tịch rất là lo lắng để trấn an dư luận, để mọi việc làm sao cho êm ả, tốt đẹp chứ không phải có cái này, cái khác”.
 
Ông Khánh cho biết UBND huyện Tiên Lãng đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Hải Phòng xung quanh vụ cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn sáng 5-1. Theo đó, năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có quyết định giao cho ông Vươn 21 ha bãi biển để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 14 năm. Tuy nhiên, từ năm 1993-1997, ông Vươn đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao.
 
Năm 1997, UBND huyện có quyết định giao bổ sung 19,3 ha vượt quá cho ông Vươn với thời hạn 14 năm cũng tính từ năm 1993. Hết thời hạn giao đất, huyện ra quyết định thu hồi cả 40,3 ha bằng hai quyết định. Ông Vươn đã khiếu nại quyết định thu hồi 19,3 ha phía ngoài được giao năm 1997 nhưng bị tòa án huyện bác đơn. Ông Vươn kháng cáo lên TAND TP, lúc này, thẩm phán tạo điều kiện cho các hộ và đại diện UBND huyện thỏa thuận. Được đại diện huyện hứa hẹn nếu rút đơn sẽ cho thuê tiếp, ông Vươn đã rút đơn kháng cáo.
 

 

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng: “Dứt khoát phải thu hồi đất”. Ảnh: HUY HOÀNG

 

Tháng 7-2011, UBND huyện Tiên Lãng đã báo cáo Thành ủy và UBND TP, đề xuất cưỡng chế đối với ông Vươn. UBND TP đã chỉ đạo các ngành giúp huyện Tiên Lãng tổ chức thu hồi đầm. Khi huyện thực hiện quyết định cưỡng chế thì xảy ra việc các thành viên gia đình ông Vươn nổ súng khiến sáu cán bộ bị thương.
 
Dứt khoát phải thu hồi
 
. Thưa ông, trong khi người dân kháng cáo, thẩm phán đã tổ chức cho họ thỏa thuận với huyện, họ đã rút đơn tại sao họ lại không được tiếp tục cho thuê đất?
 
+ Văn bản thỏa thuận là có. Khi các ông rút đơn huyện sẽ cho tiếp tục thuê theo quy định của pháp luật, điều đó phải hiểu là tất yếu phải thực hiện các thủ tục bàn giao. Bàn giao xong mới tiếp tục làm thủ tục cho thuê được. Tức là, tất cả mọi cái sau này thỏa thuận với nhau họ vẫn như mọi công dân khác và được ưu tiên tham gia đấu thầu thuê lại đầm.
 
. Tại sao ông Vươn, ông Luân đã đề nghị thuê tiếp nhưng huyện không gia hạn mà lại phải thu hồi?
 
+ Đây là theo quy định. Dứt khoát phải làm các thủ tục bàn giao sau đó mới tới các thủ tục xin thuê.
 
. Nhưng theo người dân, họ đã nhiều lần đề nghị gặp chủ tịch huyện để đối chất nhưng không được?
 
+ Họ nói không đúng. Chúng tôi đã mời ông Vươn, ông Luân lên làm việc tám cuộc, tất cả có ghi sổ và làm biên bản.
 
. Biên bản đó có chữ ký của người dân không, thưa ông?
 
+ Không có chữ ký. Họ có mặt đâu. Đương sự không có mặt mình cũng thực hiện, tổ chức công quyền mình phải làm thế chứ.
 
"Chúng tôi có thể giao thấp hơn 20 năm"
 
. Theo Luật Đất đai, đất nuôi trồng thủy sản được giao có thời hạn 20 năm. Tại sao huyện giao thời hạn ngắn hơn, thưa ông?
 
+ Huyện giao đất có thời hạn. Dù là đất nào đi nữa, về mặt pháp luật người ta quy định khống chế mức “trần” nhưng địa phương chúng tôi có thể giao thấp hơn, có thể giao năm năm, 10 năm hoặc 20 năm, miễn rằng không giao quá 20 năm là được. Với ông Vươn, chúng tôi giao đất có thời hạn. Thời hạn như thế nào là giữa hai bên huyện và cá nhân đó ký kết.
 
. Khu đầm 19,3 ha của ông Vươn, huyện ra quyết định giao đất năm 1997 nhưng tính thời điểm giao đất từ năm 1993, trong khi theo luật thì thời điểm phải tính từ ngày giao. Như vậy là sao thưa ông?
 
+ Thời hạn này là hai bên có hợp đồng với nhau.
 
. Người dân phải lấn biển tạo đất tốn rất nhiều công sức, của cải, tại sao huyện thực hiện thu hồi đất mà không phải bồi thường?
 
+ Trong quyết định nói rõ giao đất cho anh này có thời hạn, khi hết hạn anh phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất.
 
. Theo ông, những điều khoản trong quyết định đó căn cứ vào quy định nào của luật pháp hay huyện thực hiện theo luật riêng?
 
+ Cái này phải cơ quan chuyên môn chứ tôi không biết các quy định của pháp luật. Cái này đã có hợp đồng giữa người dân và huyện.
 
. Hợp đồng đó và quyết định giao đất thì cái nào có hiệu lực cao hơn?
 
+ Quyết định có hiệu lực cao hơn.
 
. Vậy khu đầm của ông Luân khi nào huyện sẽ cưỡng chế, thưa ông?
 
+ Tôi chưa thông tin được.
 
. Xin cảm ơn ông.
 
Muốn chụp ảnh phải có giấy của chủ tịch huyện!
 
Trưa 10-1, nhóm phóng viên tới khu đầm huyện vừa cưỡng chế của hộ ông Vươn liền bị hai người từ dưới khu đầm đi tới ngăn cản tác nghiệp. Tiếp đó, một thanh niên phóng xe máy từ đầm lên đã phóng thẳng vào PV báo Pháp Luật TP.HCM.
 
Khi các PV tiếp tục chụp ảnh, thanh niên này đã liên tục chửi bới rồi nhiều lần lao vào giật máy ảnh của PV Pháp Luật TP.HCM. Khi được hỏi “Các anh là ai mà ngăn không cho chụp ảnh?”, một người trong số đó xưng là công an viên xã Vinh Quang có tên Lâm. Công an viên này nói huyện, xã chỉ đạo không cho chụp ảnh, nếu muốn chụp phải có văn bản đồng ý của chủ tịch huyện. Lúc này từ dưới khu đầm có gần chục thanh niên đi lên ngăn cản không cho các PV chụp ảnh và dọa bắt hết về xã. Khi được một số người dân can ngăn, nhóm người này mới ngừng chửi bới, đe dọa nhưng yêu cầu các PV không được ở lại khu vực.
 
 

 

Công an viên tên Lâm không cho PV tác nghiệp và yêu cầu phải có giấy của chủ tịch huyện. Ảnh: HUY HOÀNG

 

 
 

 

Hoàng Văn Chương chửi bới, giật máy ảnh của PV vì dám chụp ảnh ở khu đầm. Ảnh: HUY HOÀNG

 

 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những người ngăn cản PV tác nghiệp chỉ có một người tên Lâm là công an viên xã Vinh Quang. Người gây gổ, chửi bới, lao xe máy và giật máy ảnh của PV là Hoàng Văn Chương, ngụ thôn Bạch Xa, xã Nam Hưng. Theo người dân địa phương, Chương cùng những thanh niên còn lại là đàn em của ông P. (ngụ xã Nam Hưng), ông K. (ngụ xã Tiên Hưng). Đáng chú ý, dư luận địa phương từ lâu đã râm ran chuyện chính quyền “quyết tâm” thu hồi đầm của ông Vươn giao cho ông P., ông K.
 
HUY HOÀNG/Pháp luật TPHCM
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo