Tin tức - Sự kiện

Vụ giàn khoan 981: “Không thể tin những lời nói suông”

"Từ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, các tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển".

Đại diện cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng, phản ứng của cộng đồng quốc tế trước việc làm của Trung Quốc đã phản ánh rõ bất bình của cộng đồng quốc tế đối với việc làm sai trái của Trung Quốc.

Thông tin được ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển cho biết tại cuộc họp báo tình hình biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từ ngày 1/5 vừa qua.

Trung Quốc huy động 140 tàu
 
Tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay, trong hơn 1 tháng qua, đi ngược lại nỗ lực giải quyết vụ việc thông qua đối thoại hoà bình của Việt Nam, phía Trung Quốc không những không dừng lại ở các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam mà còn có nhiều vu cáo, xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông.
 
Trong khi đó, trên thực địa Trung Quốc tiếp tục có nhiều hành động leo thang, mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, vị trí di chuyển mới của giàn khoan vẫn nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. 
 
Cùng với đó, Trung Quốc gia tăng các tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới 140 tàu, trong đó có tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ, nhiều máy bay chiến đấu hoạt động ở khu vực giàn khoan 981.
 
Các tàu Trung Quốc luôn có hành vi hung hăng, chủ động tấn công, cố tình đâm va, phun vòi rồng công suất cao vào các tàu chấp pháp, dân sự của Việt Nam, làm cho nhiều cán bộ kiểm ngư bị thương.
 
Đáng chú ý, theo ông Ngô Ngọc Thu, từ khi hạ đặt giàn khoan, các tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng cho tổng số 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển.
 
Ông Thu cũng cho hay, ngày 27/5, Trung Quốc đã tiến hành di chuyển giàn khoan đến vị trí mới nằm ở Đông Nam đảo Tri Tôn và vẫn nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam.
 
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn đưa 6 loại tàu chiến hiện đại, gồm tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
 
Cùng với đó là huy động máy bay các loại hoạt động thường xuyên trên vùng giàn khoan, có máy bay trinh sát, cảnh báo xa, máy bay trực thăng, kể cả máy bay chiến đấu.
 
Ngày cao điểm (27/5), Trung Quốc đã sử dụng 9 lần chiếc tàu chiến đấu hộ tống giàn khoan vị trí ban đầu đến vị trí mới.
 
Ngoài việc tổ chức đâm va, phun nước, Trung Quốc còn sử dụng máy phát, âm tần, đèn pha công suất lớn chĩa về tàu Việt Nam gây ảnh hưởng sức khỏe của các chiến sỹ Việt Nam.
 
Ngày 26/5, tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam tại phía Tây Nam giàn khoan 17 hải lý. Vô nhân tính hơn, trong quá trình tàu cá Việt Nam cứu vớt ngư dân thì tàu khác của Trung Quốc đã ngăn cản không cho việc thực hiện cứu vớt người bị nạn.
 
Trả lời câu hỏi của báo giới liệu Việt Nam có kiên trì theo đuổi giải quyết vụ việc bằng biện pháp hoà bình trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tỏ ra ngày càng hung hăng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải cho hay, hơn 1 tháng qua, Việt Nam luôn nỗ lực ngoại giao giải quyết tình hình căng thẳng Biển Đông nhưng Trung Quốc đến nay vẫn bất chấp nỗ lực ngoại giao, kêu gọi của cộng đồng quốc tế và tiếp tục leo thang.
 
“Việt Nam tiếp tục kiên trì biện pháp đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tiếp tục nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để cố gắng giải quyết vấn đề. Việt Nam cũng sẽ cân nhắc biện pháp tiếp theo để giải quyết, bảo vệ quyền lợi ích của mình”, ông Hải nói.
 
"Không thể tin những lời nói suông"
 
Liên quan đến vấn đề kiện Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, ông Hải cho biết, các vụ kiện quốc tế đều phức tạp, nếu tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc đấy chỉ là hành động dân sự. Nhưng hành động của Trung Quốc ở đây không chỉ liên quan hành động dân sự mà liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, nên không chỉ là hành động dân sự thông thường.
 
Do vậy, một vụ kiện như vậy không giải quyết các vấn đề. Theo ông Hải, tất cả mọi biện pháp đều phải nghiên cứu nhưng phải chọn biện pháp tối ưu để bảo vệ quyền và lợi ích của chúng ta.
 
Liên quan đến việc Trung Quốc cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc, gửi đến phái đoàn các nước tại Geneva về vụ việc giàn khoan, ông Trần Duy Hải nói, nội dung Công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên hợp quốc cũng như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều có điểm chung xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình thực tế.
 
“Các clip cho thấy các tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm vào tàu Việt Nam, ngang nhiên phun vòi rồng, tấn công các tàu Việt Nam. Ngay cả Trung Quốc cũng không đưa ra được hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc.
 
Trong khi đó, hành động của tàu Trung Quốc cố tình đâm va các tàu Việt Nam, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu chấp pháp Việt Nam cũng được các phương tiện truyền thông Trung Quốc và trên các trang mạng, báo đưa tin công khai. Trung Quốc đã thừa nhận hành động của họ”, ông Hải cho biết.
 
Cũng theo ông Hải, phản ứng của cộng đồng quốc tế trước việc làm của Trung Quốc đã phản ánh rõ bất bình của cộng đồng quốc tế đối với việc làm sai trái của Trung Quốc.
 
Như vậy, chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc sẽ không phải là trên thực tế, chỉ là lời nói, bởi vì hành động của Trung Quốc trên biển Đông, nhất là trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực, đe dọa nghiêm trọng an ninh an toàn hàng hải của khu vực, cho nên không thể nói đó là những nỗ lực hòa bình được, đấy là hành động bạo lực.
 
“Tôi cho rằng, cả cộng đồng quốc tế không thể tin được những lời nói suông”, ông Hải cho hay.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo