Vụ Liên kết Việt lừa đảo: Bộ Công Thương "né" trách nhiệm?
Tin tức trên báo Tiền phong, liên quan đến trách nhiệm quản lý hoạt động lừa đảo và trong kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt trong thời gian qua, trong văn bản gửi đến báo Tiền Phong ngày 14/3, Văn phòng Bộ Công Thương cho biết Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phân công Thứ trưởng Trần Quốc Khánh báo cáo sự việc tại hội nghị giao ban báo chí mới đây.
Tuy nhiên, dù đã được yêu cầu lấy cả xác nhận của Ban Biên tập khi gửi câu hỏi, nhưng trong phần trả lời, văn bản của Bộ Công Thương không hề đề cập một chữ nào về trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ quan này cũng như trách nhiệm của Cục trưởng Quản lý cạnh tranh Bạch Văn Mừng trong vụ việc này.
Sau khi những sai phạm của Liên kết Việt được phanh phui, điều đau lòng nhất chính là các nạn nhân của Tập đoàn lừa đảo này đều là người già, ở nông thôn. Số tiền nướng vào đa cấp Liên kết Việt của 60.000 con người có lấy lại được hay không vẫn phải chờ vào kết quả điều tra, xác minh làm rõ của cơ quan công an. Báo Vnmedia thông tin.
Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh là, nếu Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương thực hiện đúng việc công khai thông tin về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như tại quy định rõ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012) thì vết dầu loang chưa chắc đã lớn như hiện tại.
Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Các trường hợp phải công khai liên quan đến vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
Nghị định 42 về quản lý kinh doanh đa cấp cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên kết Việt được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 17/12/2015. Quá trình điều tra đến nay đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Báo An ninh thế giới thông tin.
Các bị cáo gồm: Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) – Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh; Lê Văn Tú – Phó Tổng Giám đốc (cháu Lê Xuân Giang) và 4 bị can trong nhóm thuyết trình viên đã giúp sức đắc lực cho Giang là: Vũ Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sang.
Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang thành lập, đăng ký và được cấp phép sản xuất và kinh doanh bán hàng đa cấp 4 mặt hàng thực phẩm chức năng gồm: cốt dưỡng vương, bổ não vương, sâm nhung đông trùng hạ thảo và máy ô zôn để mọi người ngộ nhận Công ty Liên kết Việt và sản phẩm thực phẩm chức năng là của Bộ Quốc phòng.
Để lôi kéo nhiều người tham gia hệ thống Liên kết Việt, Giang còn chỉ đạo tổ chức “đại hội hoa hồng nhân văn, đại thắng, lộc xuân thịnh vượng, mã đáo đại thắng…” để trao thưởng xe máy, xe ô tô và nhà chung cư; hứa hẹn, tuyên truyền chi trả mức hoa hồng lên đến 65% doanh thu (trong khi pháp luật qui định mức hoa hồng tối đa không quá 40%).
Bằng những thủ đoạn trên, trong 1 năm, Công ty Liên kết Việt đã phát triển chi nhánh bán hàng đa cấp đến 27 tỉnh thành trong cả nước, lôi kéo hơn 60 ngàn người tham gia ký hợp đồng, nộp tiền, rồi lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, và đã chiếm đoạt tổng số tiền lên đến trên 1.900 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo