Vụ Liên kết Việt lừa đảo: Bộ Công thương đã sớm lên tiếng?
Tin tức trên báo Bizlive.vn, bên lề cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ Công ty Liên kết Việt lừa đảo 60.000 người.
Cuối tháng 12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Lê Xuân Giang trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt).
Thứ trưởng Hải cho biết, công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/2014. Từ ngày 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh) theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Liên Kết Việt ngày 22/12/2014. Theo Thứ trưởng Hải, 7 tháng kể từ khi cấp Giấy chứng nhận kể trên, Cục Quản lý cạnh tranh đã trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện công ty này có 5 – 6 điểm các nội dung vi phạm pháp luật quy định.
Cụ thể, vi phạm các vấn đề liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm và duy trì nhiều hơn 1 vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định…. Theo đó, Bộ Công Thương và Cục đã xử lý nghiêm khắc và phạt 570 triệu đồng.
Khi đặt câu hỏi “Tại sao báo chí đã vào cuộc nửa năm, giờ Bộ Công Thương mới ra quyết định xử phạt hành chính? Tại sao Bộ không lên tiếng sớm, nếu lên tiếng sớm thì không rơi vào bi kịch?”
Thứ trưởng phản hồi rằng, cần xem lại chính xác là ngày 22/12/2014 mới cấp phép và tháng 7/2015 Bộ Công Thương đã vào cuộc. “Như vậy với một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động mà chúng tôi xử lý như vậy không thể nói là chậm trễ được”, Thứ trưởng Hải trả lời.
Tuy nhiên, khi bị truy về trách nhiệm và việc không công khai quyết định xử phạt, khiến người dân tiếp tục “mắc bẫy” thì đại diện Bộ Công thương đã "né" câu trả lời. Báo Zing news thông tin.
Nếu Bộ Công thương là cơ quan quản lý trực tiếp mà lên tiếng, cảnh báo sớm thì hàng trăm nghìn người đã không thành nạn nhân của lừa đảo và bi kịch của kinh doanh đa cấp, Thứ trưởng Bộ Công thương né phần trách nhiệm khi cho rằng, Bộ đã phát hiện sai phạm và đã xử lý. Còn kết luận cuối cùng thuộc về Bộ Công an. "Vi phạm gì liên quan đã nói rồi, cái gì xử phạt chúng tôi cũng đã chủ động" - ông Hải nói.
Theo số liệu của cơ quan điều tra, trong khoảng 1 năm (từ tháng 4/2014), Liên kết Việt đã lôi kéo được 62.000 người tham gia mạng lưới, người ít nhất là phải nộp vào tài khoản cho Cty 8,6 triệu đồng, người nhiều lên tới hàng chục tỷ đồng. Con số từ tài khoản của Liên kết Việt thu từ người dân lên tới 1.900 tỷ đồng chưa kể khoản thu trực tiếp, trong khi tổng số hàng hóa trị giá chỉ khoảng 7 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo