Thị trường

Vụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long: Trồng “hợp đồng”, bán “lúa vịt”!

Chưa kịp được hưởng lợi từ chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông - xuân, nông dân ĐBSCL lại oằn mình với nỗi ám ảnh thua lỗ mới từ gánh nặng sâu bệnh tăng… nhưng giá tiếp tục lao dốc trong vụ lúa kế tiếp.

Hình minh họa.

 

Bỏ rơi nông dân?

 
Đã nửa tháng trôi qua, nhưng gia đình ông Trần Văn Thạo (xã Kiến Thành, Chợ Mới, An Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến chuyện bán lúa. Chỉ tay vào đống lúa chất cao tận nóc nhà, ông Thạo ấm ức: “Hơn 300 bao, trên 15 tấn lúa. Không bán được lại còn tốn thêm mấy triệu đồng tiền phơi và chuyển từ ruộng về nhà”. Chuyện xuất phát từ việc trồng lúa theo hợp đồng (HĐ). Được lãnh đạo HTX Nông nghiệp Thuận Quới vận động, vụ đông-xuân 2014 - 2015, gia đình ông Thạo HĐ trồng 6ha lúa OM6976 với Chi nhánh Đầu tư và Phát triển vùng nguyên liệu của TCty Lương thực Miền Bắc (DN) với giá bán là giá bình quân thị trường cộng thêm 100đ/kg. Nhưng sau khi bán được 4,2ha, ông Thạo không được DN mua số lúa còn lại dù thu hoạch đúng lịch thống nhất. Tương tự, ông Nguyễn Văn Rồng (Kiến Thành) cũng “ôm” hơn 5 tấn lúa.
 
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục nông dân trồng lúa theo HĐ nhưng bị DN “bỏ rơi”. Theo Chủ tịch HĐQT HTX Thuận Quới Huỳnh Văn Chi, sau khi thu mua được 120ha/300ha, DN không tiếp tục thực thi HĐ và yêu cầu tạm ngừng thu hoạch để chờ điều động phương tiện chuyên chở. Thực tế cho thấy điều này không hơn cách nói “né” trách nhiệm. Sẻ chia trách nhiệm trong lúc bị động phương tiện là cần thiết, nhưng ngặt nỗi DN lại không đưa ra ngày thu hoạch cụ thể, khiến nông dân có cảm giác bị bỏ rơi”. “Chờ liên tiếp 4 đêm mới biết DN không mua thì lúa trong bao đã lên mốc. Dù đã phơi khô và chấp nhận giá 4.100đ/kg (OM6976), nhưng vẫn không ai mua” - ông Rồng cho biết thêm sẽ bán 5 tấn lúa này cho người nuôi vịt chạy đồng.

Lợi nhuận từ lúa ở thế... chân tường
 
Sau khi xảy ra sự cố tại HTX Thuận Quới, lãnh đạo huyện Chợ Mới mời hai bên liên quan “ngồi lại” rồi động viên để hướng tới tiếp tục… hợp tác. Theo ông Nguyễn Văn Xuân - Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NNPTNT An Giang) - rất khó để làm khác hơn. Từ khi triển khai liên kết sản xuất, chưa có trường hợp vi phạm HĐ nào được xét xử. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do nội dung HĐ rất đơn giản trong xác định quyền và nghĩa vụ đôi bên, nhất là phía DN. Thứ hai, bản thân chính quyền lẫn nông dân đang rất cần DN.
 
Trong khi đó, ngay cả những nông dân không bị DN bỏ rơi cũng khó chạm tay vào mức lợi nhuận 30%. ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) - chứng minh bằng “quy trình ngược”: Gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm cả lượng lẫn giá. Điều này cũng đồng nghĩa là khó có chuyện tăng giá mua lúa trong dân. Theo ThS Tuyên, từ tháng 1 đến 26.3.2015, Việt Nam xuất khẩu được 719.171 tấn gạo, giảm 41% về lượng và giảm 1,6% về giá so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt từ ngày 1 - 26.3.2015, cả nước chỉ xuất khẩu được 294.449 tấn gạo, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước (583.294 tấn), giảm 11USD/tấn so với năm trước 
và giảm 15USD/tấn so với tháng trước.
 
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, điều này sẽ tiếp tục bào mòn, thậm chí dồn đẩy bài toán lợi nhuận trồng lúa vào chân tường. Bởi theo dự báo, thời tiết nắng nóng hiện nay đang đẩy cây lúa vào nghịch cảnh: Tăng chi phí sản xuất - giảm năng suất.
 
Hiện có đề xuất xin tăng chi phí bơm tưới thêm 20.000 đồng/công/vụ hè-thu. Sự gia tăng thêm chi phí này không quá lớn, nhưng “con kiến” nhỏ bé này lại có thể “quật ngã” cả bài toán lợi nhuận của nông dân vốn rất mong manh như hiện nay. “Nắng nóng nhiều và kéo dài sẽ làm gia tăng côn trùng, bệnh tật và cỏ dại. Năng suất lúa sẽ giảm 10% nếu nhiệt độ tối thiểu gia tăng thêm 10C trong mùa trồng” - ThS Tuyên cảnh báo.
 
 
 
Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo