Vụ máy bay mất tích: Malaysia "nhắc" Trung Quốc, tin Việt Nam
Nhà chức trách Malaysia bác thông tin động cơ máy bay MH370 gửi thông báo cuối cùng sau 5 giờ bay và cho hay ảnh vệ tinh TQ “bị công bố nhầm”.
Malaysia phản ứng với Trung Quốc
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein trong cuộc họp báo lúc 17h30 chiều 13/3, cho biết, thông tin hai động cơ Trent 800 của Rolls-Royce lắp đặt trong chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng Malaysia Airlines (MAS) đang mất tích gửi báo cáo về cho nhà sản xuất 5 giờ sau khi cất cánh (tức vào lúc 0 giờ 40 sáng 8/3) là “không chính xác”.
“Động cơ gửi báo cáo cuối cùng lúc 1 giờ 7 phút và tất cả đều trong tình trạng bình thường”, ông Hussein nói.
“Đội kỹ thuật của Rolls-Royce và của Boeing đã làm việc với MAS tại Kuala Lumpur từ hôm 9/3 đến nay và nghi vấn này chưa bao giờ được đưa ra. Ngày13/3, MAS đã đề nghị Rolls-Royce và Boeing về vấn đề này. Họ khẳng định những thông tin trên là không chính xác”, ông Hussein nói.
Đặc biệt, trong cuộc họp báo giới chức trách Malaysia nhấn mạnh về những bức ảnh do Trung Quốc đưa ra sáng 13/3 nói rằng vệ tinh đã dò được 3 vật thể nổi nghi từ chiếc máy bay mất tích ở Biển Đông, ông cho biết máy bay và tàu của Việt Nam, Malaysia đã được điều đến vị trí trong ảnh vệ tinh nhưng không phát hiện được vật gì.
“Chúng tôi đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc và chiều 13/3 họ xác nhận những bức ảnh này được phát ra do sai sót và chúng không cho thấy vật gì từ máy bay”, ông Hussein nói.
Ông này cũng cho biết thêm, chiếc máy bay mất tích vừa được kiểm tra hôm 23/2/2014 với kết luận “đủ tốt để bay”. Lần kiểm tra định kỳ kế tiếp của máy bay này dự kiến vào ngày 19/6/2014.
Để củng cố thêm lý do bác bỏ thông tin radar quân đội phát hiện máy bay bay ngược về phía tây, ông Hussein giải thích: “Chúng tôi không thể công bố hình ảnh gốc mà radar quân sự ghi nhận về "chiếc máy không rõ danh tính" vì lý do an ninh quốc gia. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị khác để xác minh liệu máy bay này có đúng là chiếc MH370 hay không”.
Ông Hussein gọi tình hình hiện nay là “khủng hoảng” và nhắc lại rằng đây là sự cố “chưa có tiền lệ” với sự tham gia của nhiều quốc gia, nhiều tàu bè và trên một vùng rộng lớn.
Mặc dù những thông tin Trung Quốc đưa ra đã có sai sót, không chính xác nhưng Trung Quốc sẽ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines đến cùng.
Trong bài phát biểu bế mạc phiên họp thường niên của quốc hội Trung Quốc ngày 13/3, ông Lý Khắc Cường nói: “Thân nhân và gia đình của những người này đang đứng ngồi không yên”.
“Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đều rất lo lắng cho sự an nguy của họ. Chúng tôi đều đang mong ngóng tin tức từ chiếc máy bay, thậm chí chỉ là một tin nhỏ nhặt nhất”, Thủ tướng Trung Quốc nói.
Được biết, Bắc Kinh đã triển khai 8 tàu đến tham gia tìm kiếm (chiếc thứ 9 đang trên đường đi) và đã điều động 10 vệ tinh, theo ông Lý.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ bất kỳ manh mối tình nghi nào mà chúng tôi tìm thấy. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các bên liên quan tăng cường phối hợp, điều tra nguyên nhân vụ việc, xác định vị trí máy bay mất tích càng nhanh càng tốt”, ông này kêu gọi.
Tin tưởng Việt Nam
Sau những thông tin sai lệch về tìm kiếm máy bay mất tích mà phía Trung Quốc đưa, phía Malaysia ngày 13/3 ngỏ ý đề nghị Việt Nam hỗ trợ tìm máy bay mất tích tại vùng biển của nước này.
Ngày 13/3, trong bối cảnh có thông tin dò được tín hiệu cuối cùng của MH370 ở eo biển Malacca, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành tìm kiếm máy bay mất tích trên biển và trên không ở Biển Đông với lực lượng trực gồm 11 máy bay và 10 tàu.
Trong đó, 2 máy bay AN26, một trực thăng Mi và một máy bay tuần thám biển CASA đã 7 lần cất cánh làm nhiệm vụ. Ngoài việc bay dọc đường bay dự kiến, hướng tìm kiếm còn mở về phía vịnh Thái Lan và rộng về phía đông.
Đặc biệt, chuyến bay trực thăng Mi được thực hiện từ mũi Cà Mau đã đi ngược lên Vũng Tàu và dọc bờ biển. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là khu vực rừng ngập mặn ít dân cư nên cần tiếp cận tìm kiếm, bay ở tầm thấp để quan sát được dễ dàng. Trên biển cũng có 7 tàu tìm kiếm quần đảo ở các khu vực khả nghi.
"Các tàu rà soát ra phía đông đến hết ranh giới biển Việt Nam với Malaysia vì phía tây đã quần thảo quá kỹ mà không tìm ra dấu tích”, đại tá Vũ Thế Chiến, phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho hay.
Được biết, từ khi máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia mất tích, Việt Nam đã thành lập 3 trung tâm điều hành lực lượng tìm kiếm, với một trung tâm chính ở Hà Nội, Sở chỉ huy tiền phương của Ủy ban An toàn hàng không dân dụng ở Phú Quốc và Sở chỉ huy của lực lượng Không quân ở Cà Mau.
Sau 6 ngày tung lực lượng lớn chưa từng có, trung tâm ở Phú Quốc được chuyển về TP HCM còn Sở chỉ huy ở Cà Mau vẫn giữ nguyên.
Trong khi đó, sau khi gửi lời cảm ơn đến Việt Nam vì sự nhiệt tình trong việc tổ chức tìm kiếm, Malaysia hôm nay đã đặt vấn đề nhờ Việt Nam hỗ trợ phương tiện sang tìm kiếm ở vùng biển Mã Lai.
Theo Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, vấn đề này mới được trao đổi qua điện thoại, nên khi nào Malaysia có đề nghị chính thức thì Sở chỉ huy sẽ xin ý kiến Chính phủ.
"Với 90% lực lượng tìm kiếm hiện nay là lực lượng quân đội, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ nước bạn cho đến khi có thông tin rõ ràng về máy bay mất tích. Đó không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn vì lòng nhân ái, coi tính mạng con người là quan trọng nhất", đại tá Chiến nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, ngày 13/3, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kế hoạch của Việt Nam tiếp tục tham gia tìm kiếm máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia mất tích, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Chúng tôi đã thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc để điều hành đồng bộ các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong những ngày tới sẽ được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để xác định khu vực cũng như tiến độ, tiến trình của công việc này.”
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo