Pháp luật

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Thủ tướng chỉ đạo 3 cơ quan điều tra

(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC.

Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra tại Hà Nội hôm nay (31/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - người phát ngôn của Chính phủ - Mai Tiến Dũng, đã có những trả lời đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm. Báo Người đưa tin thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại một cuộc họp báo thường kỳ. Ảnh: báo NĐT.

Trong số những vấn đề được dư luận quan tâm, báo chí đã đề nghị người phát ngôn của Chính phủ cho biết, các cơ quan đã có báo cáo về việc xác minh làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến những thua lỗ của Tổng Công ty dầu khí trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng chưa? Nội dung như thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời: "Về vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo;

Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC giai đoạn 2008-2013, trọng tâm là việc đầu tư, thực hiện các dự án; kiểm tra, kết luận rõ đúng sai việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra, rà soát. Hiện Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát và chưa có báo cáo chính thức. Báo Dân việt thông tin.

"Trong vụ việc này, các cơ quan pháp luật đã vào cuộc hết sức đồng bộ. Chỉ đạo của Tổng Bí thư là quyết tâm chính trị cao nhất. Sau đó, cả hệ thống cùng chuyển động với sự vào cuộc của cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đó là kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, ngay cả vấn đề lợi ích nhóm trong vấn đề đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, hay lợi ích nhóm trong việc sử dụng tài sản tiền của nhân dân" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.

 

Ông Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) quê Đông Anh, Hà Nội, nguyên là Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Hậu Giang. Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Trịnh Xuân Thanh đã được giới thiệu ra ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hậu Giang với số phiếu cao (cao thứ hai trong 6 người trúng cử). Tuy nhiên ngay sau đó ông Trịnh Xuân Thanh bị phát hiện đi xe tư nhưng dùng biển số xanh (biển kiểm soát dành cho xe công).

Sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngày 11/7/2016, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng đã có kết luận bước đầu về sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh. Sau kết luận này ông Thanh đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu Quốc hội, tiếp đến ông Thanh xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng Bí thư đã yêu cầu vụ việc cần tiếp tục được làm rõ. Trong 4 nội dung công việc được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ,  có nội dung đáng chú lý là: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo)...

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo