Vụ sập nhà ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm quản lý xây dựng?
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, tính tới 11h30 ngày 4/8, đã có hai nạn nhân tử vong trong vụ sập nhà 4 tầng tại 43 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội. Trong đó, nạn nhân Nguyễn Văn Thanh đã tử vong vào hồi 7h25 khi đang trên đường cấp cứu. Nạn nhân cuối cùng được tìm thấy vào lúc 11h là chị Nguyễn Thị Hằng đã tử vong trước khi được đưa ra ngoài.
Trước đó, 4 người được đưa đến nơi an toàn gồm: anh Nguyễn Vĩnh Đua, anh Trần Văn Dần, anh Nguyễn Hồng Chiến và anh Nguyễn Văn Thắng. Tại hiện trường, 4 người được giải cứu khỏi đống đổ nát gồm anh Nguyễn Văn Thành, anh Nguyễn Văn Quang, chị Nguyễn Thị Hằng, chị Nguyễn Thị Thoa.
Sự cố sập ngôi nhà 3 tầng số 43 phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), để lại hậu quả là rất lớn khi có 2 nạn nhân đã tử vong. Công an quận Ba Đình bước đầu đã xác định được nguyên nhân là do nhà kế bên (nhà số 41) thi công dẫn đến vỡ ống nước, sụt lở móng. Trước dấu hiệu phạm pháp hình sự, cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Báo Công an Nhân dân thông tin.
Tuy nhiên, từ câu chuyện sập căn nhà số 43 phố Cửa Bắc này và từ những vụ sập nhà gây hậu quả nghiêm trọng trước nữa như sập nhà số 47 Huỳnh Thúc Kháng, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Chiều 5/8, có mặt tại hiện trường vụ sập ngôi nhà 3 tầng số 43 phố Cửa Bắc, đống đổ nát đang được cơ quan chức năng thu dọn. Đặc biệt tại hiện trường, chiếc máy xúc thi công đào móng nhà số 41 kế bên bị nhà số 43 đổ xuống đè bẹp rúm cũng đã được cẩu lên. Theo báo cáo kết quả điều tra ban đầu của Công an quận Ba Đình, nguyên nhân dẫn đến sập nhà được những người liên quan khai nhận do quá trình thi công nhà 41 Cửa Bắc bên cạnh đã làm vỡ ống nước, dẫn đến sụt lở móng nhà số 43.
"Mặt khác, nhà 43 Cửa Bắc xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước không có kết cấu bê tông nên nhà rất yếu", báo cáo kết quả điều tra nêu. Hồ sơ điều tra cho biết, nhà số 41 Cửa Bắc nằm kế bên ngôi nhà bị sập đã xây dựng gần 40 năm nên xuống cấp trầm trọng.
Ngày 7/7, nhà 41 Cửa Bắc thuê thợ tháo dỡ để xây lại nhà. Khi tháo xong phần mái nhà thì bị Thanh tra xây dựng Ba Đình đình chỉ vì không có giấy phép. Tuy nhiên sau đó hồ sơ xin phép, sửa chữa nhà đã được UBND quận Ba Đình chấp thuận vào ngày 2/8. Khi có giấy phép, nhà 41 tiến hành thi công đào móng thì xảy ra việc sập nhà số 43 Cửa Bắc.
Tuy vậy, xung quanh việc sập ngôi nhà 43 Cửa Bắc này, trao đổi với phóng viên báo Công an Nhân dân, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tất cả phải chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Đề cập đến giấy phép xây dựng của ngôi nhà số 41 kế bên, ông Huy cho biết hồ sơ do quận Ba Đình quản lý.
“Theo tôi được biết thì nhà này mới chỉ được quận cho phép sửa chữa. Thực ra nó không phải là giấy phép mà chỉ là giấy chấp thuận cho phép sửa chữa. Giấy phép để xây nhà mới hoàn toàn khác. Nếu mới chỉ được cho phép sửa chữa mái, mà đi phá nhà, rồi đào móng thì hoàn toàn không được. Cái này thì nhà 41 Cửa Bắc đã sai, vì nhà đã phá ra rồi”, ông Huy cho biết.
Đây câu hỏi đặt ra là nếu như nhà số 41 Cửa Bắc chưa có giấy phép xây dựng mà đã tiến hành phá dỡ và đào móng, liệu UBND phường Trúc Bạch có nắm được sự việc này không? Và nếu đúng là như thế thì có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn phường này.
Để tìm câu trả lời, phóng viên báo Công an Nhân dân đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch để gặp và trao đổi, nhưng sau vài cuộc điện thoại vừa nghe đã đột ngột tắt máy, đến cuối giờ chiều ông Minh nghe máy nhưng tiếp tục báo bận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo