Vụ sếp lĩnh lương “khủng”: Cần xem lại tổ chức Đảng ở 4 doanh nghiệp
“Có vấn đề bất thường”
Xung quanh vụ việc lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM bị thanh tra và phát hiện lĩnh lương "khủng" trái với các quy đinh của nhà nước, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với với TS.Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐB Quốc hội đoàn Sóc Trăng) để giúp độc giả có thêm những góc nhìn đa chiều.
Ông Nguyễn Đức Kiên bày tỏ, việc lãnh đạo của một doanh nghiệp công ích nhận lương cao gấp 41 lần người lao động tại doanh nghiệp đó là điều không thể chấp nhận được.
“Tôi không muốn nói về trách nhiệm của mấy vị hưởng mức lương cao ngất ngưởng ấy nữa. Nếu họ có làm sai thì đã có cơ quan điều tra, đã có những cơ quan chức năng tại TP.HCM làm rõ. Tôi hy vọng rằng vụ việc này sẽ được làm sáng tỏ trong thời gian sớm nhất và công khai để dư luận cả nước được biết, đi kèm với đó là xử lý kiểm điểm trách nhiệm của những người trong cuộc.
Tuy nhiên, tôi muốn đề cập tới một khía cạnh khác, đó là vì sao sự việc xảy ra trong một thời gian dài như vậy mà các cơ quan đoàn thể lại không có ý kiến? Vai trò của Đảng bộ ở những doanh nghiệp ấy đâu rồi? Vai trò của tổ chức Công đoàn đâu? Vai trò của Đoàn thanh niên ở đâu? Chẳng lẽ không ai chịu lên tiếng, để cho mấy ông Giám đốc thích làm gì thì làm?”, ông Kiên nói.
ĐB Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói rằng, ông không muốn dùng từ “tê liệt” để đánh giá về vai trò của Đảng bộ, tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên ở 4 doanh nghiệp này, nhưng qua sự việc trên phải khẳng định “có vấn đề bất thường”.
Ông Kiên thẳng thắn cho biết: “Tổ chức công đoàn là để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vậy thì các tổ chức công đoàn ở 4 doanh nghiệp này đã làm được gì rồi? Chẳng lẽ họ không một lần lên tiếng về cái sự bất hợp lý khi quỹ lương được phân chia có sự chênh lệch quá lớn như vậy? Tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp này tại sao không có ý kiến với cấp trên?
Nếu sự việc này sớm được báo cáo tới các cấp có thẩm quyền, mà cao nhất là UBND TPHCM hay Thành ủy TPHCM thì chắc chắn nó đã được ngăn chặn từ lâu rồi. Như vậy, bản thân mỗi Đảng viên ở các tổ chức này cũng phải nghiêm túc xem lại mình, xem đã thực sự xứng đáng là người Đảng viên chưa. Nếu sợ hãi không dám nói sự thật thì đừng là Đảng viên nữa, như vậy chỉ làm xấu hình ảnh của Đảng”.
"Nói thẳng ra là tôi thấy có vấn đề quan liêu ở đây"
Ngoài ra, ông Kiên cũng thẳng thắn đặt ra câu hỏi với các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát vấn đề thu chi ở các doanh nghiệp này.
“Tôi muốn đề cập tới vai trò của Sở Lao động Thương binh xã hội, Sở Tài chính, Chi cục thuế… tại sao họ không phát hiện ra những điều bất thường ấy? Nói thẳng ra là tôi thấy có vấn đề quan liêu ở đây, mà cứ như thế này thì sẽ tiếp tục làm mất lòng tin với nhân dân, và kéo tụt sự phát triển của đất nước”, ông Kiên cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, rất có thể 4 doanh nghiệp nói trên đã làm cả những việc khác ngoài chức năng chính của họ để có thêm doanh thu, nhưng dù có như vậy không có nghĩa là lãnh đạo ở những doanh nghiệp ấy được phép chi cho mình mức lương tiền tỷ như vậy.
Trước những ý kiến của dư luận, sau sự việc này có nên phát động một cuộc tổng kiểm tra với tất cả các doanh nghiệp nhà nước? Ông Nguyễn Đức Kiên bày tỏ: “Tôi không nghĩ như vậy. Bây giờ đâu phải là thời chiến mà cứ động đến việc này, việc khác là lại phát huy phong trào? Hãy làm mọi việc theo luật, đó là cách tốt nhất”.
Nói về những bất cập tiền lương với công chức, viên chức của nhà nước, ông Kiên bày tỏ, vẫn biết rằng đồng lương hiện nay của công chức, viên chức nhà nước là một bất cập, nhưng điều kiện của nước ta còn nhiều khó khăn nên để nâng được mức lương lên cũng cần phải có thời gian.
Vấn đề tiền lương cũng chỉ là một khía cạnh khi chúng ta bàn tới vấn đề chống tham nhũng, tăng được lương không có chức quyền cũng đã có những điều kiện kinh tế rất tốt, nhưng họ vẫn tham nhũng, đó là bởi vấn đề đạo đức và lòng tham.
Trước câu hỏi vì sao chúng ta đã nói rất nhiều về phòng chống tham nhũng, chỗng lãng phí, nhưng các vụ việc ấy vẫn cứ nổ ra thường xuyên, không năm nào không có, phải chăng vì pháp luật của chúng ta chưa đủ sức răn đe?
Ông Nguyễn Đức Kiên nhận định: “Chúng ta có đầy đủ các chế tài để xử những đối tượng tham nhũng, nhưng vấn đề đặt ra là các cơ quan bảo vệ pháp luật có thực hiện nghiêm hay không? Chống tham nhũng ngày càng khó khăn là vì ai cũng hô phải chống, nhưng thực tế thì ai thực sự là người chống?".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam