Tin tức - Sự kiện

Vụ sếp lĩnh lương "khủng': Phải chặn ngay tình trạng "hạ cánh an toàn"

"Tôi cho rằng, không chỉ kiểm tra các hoạt động với doanh nghiệp nhà nước trong năm nay mà cần phải kiểm tra lại cả những năm trước nữa, ai làm trái các quy định mà đã nghỉ hưu cũng phải đưa ra xét xử bình thường, dứt khoát phải ngăn chặn được tình trạng ‘hạ cánh an toàn’.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đã khẳng định như vậy qua sự việc lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận lương gấp nhiều lần Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và cả Chủ tịch UBND TPHCM.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Phải ngăn chặn được tình trạng

Sai luật và vô lương tâm

Vụ việc một số lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM đã nhận mức lương cao ngất ngưởng vào năm 2012 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước. Xin điểm lại thông tin giúp độc giả như sau: Ngày 26/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà chính thức kết luận về sai phạm do chi tiền lương, thưởng cao bất thường của các chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán… và chế độ tiền lương bất bình đẳng giữa các bộ phận tại các công ty này.

Theo đó, Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị: 2,6 tỷ đồng/năm; Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM nhận lương đến 2,2 tỉ đồng/năm; Giám đốc Công ty công trình giao thông Sài Gòn nhận 856 triệu đồng/năm; Tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, Giám đốc nhận 759 triệu đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận 691 triệu đồng, Phó giám đốc 609 triệu đồng và kế toán trưởng nhận 655 triệu đồng.

Để có thể được khoản lương cao ngất ngưởng này, Công ty Thoát nước đô thị và Công ty Công trình giao thông Sài Gòn đã vi phạm quy định của Luật lao động với 732 người: Chỉ ký hợp đồng mùa vụ (thời hạn dưới 3 tháng) với lao động thường xuyên và chỉ ký hợp đồng có thời hạn với hàng trăm người đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) nhận định, việc các lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích nêu trên nhận những mức lương cao ngất ngưởng như vậy không chỉ là vấn đề sai trái về mặt luật pháp mà còn có cả vấn đề đạo đức.

“Đất nước ta còn nghèo, trong lúc Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang tìm mọi biện pháp nỗ lực, kêu gọi tất cả các thành phần kinh tế cùng nỗ lực cố gắng góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn thì thông tin những ông sếp ở các doanh nghiệp công ích nhận lương cả tỷ đồng mỗi năm càng thêm phản cảm.

Tôi không hiểu sao chuyện kéo dài hàng năm trời mà cho đến bây giờ vụ việc mới bị phanh phui? Trách nhiệm của cơ quan quản lý các doanh nghiệp này đặt ở đâu? Các cơ quan kiểm toán, thuế… không thấy có điều gì bất thường hay sao? Tất cả những điều bất thường ấy khiến cho người dân phải đặt ra câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm hay không?”, ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo còn đặt ra một dấu hỏi lớn về tư cách đạo đức của các lãnh đạo doanh nghiệp với cái tiếng “công ích” này: “Dùng chiêu trò ký hợp đồng thời vụ thay vì ký hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn với nhiều người để cắt xén đi quyền lợi đáng ra họ được hưởng là một việc làm vô lương tâm.

Tại sao họ không nghĩ: Đằng sau mỗi người lao động còn có cả một gia đình, là những người vợ đầu tắt mặt tối, là những đứa con còn nhỏ dại? Những con người hàng ngày chui trong cống làm việc, chịu đựng sự ô nhiễm, có khi ngồi vào mâm cơm mà vẫn còn thấy có mùi hôi trên cơ thể thì bị đối xử như vậy, trong khi mấy ông lãnh đạo đút chân trong gầm bàn thì ung dung ẵm cả tỷ đồng”.

Cần kiểm tra lại DN nhà nước ở tất cả các tỉnh

Trước một số thông tin cho rằng, nếu các doanh nghiệp này làm ăn có lãi thì lãnh đạo có thể được thưởng thêm một khoản tiền, ông Bảo nhận định: “Lương, thưởng, hay phụ cấp… cũng chỉ là chữ nghĩa trên giấy tờ mà thôi, vì bản chất vẫn là họ rút tiền từ một nơi ra. Chính phủ đã có quy định rất rõ ràng về việc áp dụng mức lương và cao nhất cũng chỉ tới 36 triệu đồng/tháng, và kinh doanh có lãi thì được thưởng thêm nhưng cũng không quá 1,5 lần.

Đó là tôi muốn nói tới các tập đoàn, tổng công ty nhà nước họ làm công tác kinh doanh. Còn với các doanh nghiệp công ích này, bản chất là họ không được phép lợi dụng pháp nhân để thu lợi nhuận từ tiền đóng góp của dân, đó là chưa kể những doanh nghiệp công ích này còn có thể đang được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của nhà nước”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ, đây là một trong những vụ việc điển hình về cố ý làm trái các quy định của nhà nước, lợi dụng chức vụ để trục lợi. Rất may là UBND TP.HCM đã thể hiện rất rõ quan điểm sẽ nhanh chóng thu hồi số tiền sai phạm này và giải quyết ngay quyền lợi chính đáng của những người lao động đã phải chịu ấm ức suốt thời gian qua.

Qua sự việc lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận “lương khủng” gấp nhiều lần lương Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và cả Chủ tịch UBND TPHCM, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Ban Nội chính Trung ương cần sớm phát động một chương trình kiểm tra với toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh.

Ông Bảo nói: “Tôi đề nghị Ban Nội chính Trung ương vào cuộc mạnh mẽ trước các vụ việc như thế này, cần phải phát động một cuộc thanh tra với tất cả các doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc, phát hiện sai phạm phải lập tức xử lý nghiêm minh.

Tôi cho rằng, không chỉ kiểm tra các hoạt động với doanh nghiệp nhà nước trong năm nay mà cần phải kiểm tra lại cả những năm trước nữa, ai làm trái các quy định mà đã nghỉ hưu cũng phải đưa ra xét xử bình thường, dứt khoát phải ngăn chặn được tình trạng hạ cánh an toàn, không thể để những con người như vậy kéo tụt sự phát triển của đất nước này.

Tôi rất tiếc là lâu nay chúng ta nói tới chuyện kê khai tài sản nhưng chưa làm được gì, nếu mọi việc cứ hình thức như vậy thì không thể nào chống tham nhũng được. Do đó cần phải đặt câu hỏi: Tiền từ đâu ra mà mua biệt thự? Tiền đâu ra mua xe hơi đẹp? Chúng ta nói mãi rồi mà vẫn chưa làm được, điều đó thật đáng phải suy ngẫm”.

Theo GDVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo