Vụ tham nhũng ở Agribank: Hậu quả lớn từ sự tắc trách
Không dùng biện pháp mạnh để đòi tài sản, không xác minh thông tin… nên Agribank chi nhánh 6 bị doanh nghiệp qua mặt
Ngày 23.10, HĐXX đại án tham nhũng gây thất thoát hơn 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (Agribank CN 6 tại TP.HCM) tiếp tục xét hỏi những vấn đề xung quanh vụ việc Agribank CN 6 cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát (gọi tắt là Công ty Tấn Phát) vay 170 tỉ đồng.ây.
Đổ lỗi cho nhau
Bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank CN 6) bảo lưu quan điểm mình chỉ là nạn nhân trong vụ việc. “Bị cáo hoàn toàn tin tưởng cấp dưới nên mới ký quyết định cho vay” - Trung giãi bày.
Nên đọc
Trong khi đó, bị cáo Hồ Văn Long khẳng định trước khi làm hồ sơ cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỉ đồng, Long có hỏi ý kiến và được Trung “bật đèn xanh”. Long khai: “Ông Trung nói đã hỏi ý kiến về việc nâng quyền phán quyết cho vay, tổng giám đốc đã đồng ý. Bị cáo hoàn toàn tin tưởng ông Trung nên làm theo chỉ đạo”. Sau đó, Long đưa hồ sơ và hướng dẫn Công ty Tấn Phát làm thủ tục vay vốn. Qua thẩm định, tài sản thế chấp là mảnh đất ở số 10 Âu Cơ (TP HCM) trong tương lai sẽ có giá trị 174 tỉ đồng. Vì vậy, Long thông qua hồ sơ vay vốn.
Tương tự, Nguyễn Hoàng Nhật Thụy (nguyên nhân viên phòng tín dụng của Agribank CN 6) thừa nhận trong quá trình làm hồ sơ, Thụy và Long không thẩm định giá mà chỉ dựa vào báo cáo của DN để đưa ra kết luận.
Sai sót không đáng có
Tại tòa, Trung và Long đều cho biết Trung có nhờ cơ quan công an hỗ trợ đòi lại tài sản thế chấp. Nghe các bị cáo trình bày, chủ tọa phiên tòa chỉ rõ tài sản thế chấp, bảo đảm là yếu tố quan trọng giúp các tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro trong thời gian cho vay vốn. Vì vậy, khi tài sản thế chấp có nguy cơ bị mất, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng không có biện pháp cứng rắn để thu hồi mà chỉ nhắc nhở, đôn đốc khách hàng là chưa thỏa đáng.
Nếu DN không trả lại tài sản thế chấp, với tư cách giám đốc chi nhánh, bị cáo có quyền khởi kiện ngay nhưng đã không làm. Khi DN lấy lý do cơ quan chức năng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, các bị cáo cũng không xác minh lại thông tin. Để cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỉ đồng, Agribank CN 6 không xin nâng quyền phán quyết. Thay vào đó, các đối tượng lấy đơn vị phán quyết của DN khác “gán” vào bộ hồ sơ của Công ty Tấn Phát.
“Ngoài ra, cùng thời điểm vay 170 tỉ đồng, Thanh Cường và đồng bọn cũng vay 628 tỉ đồng. Biện pháp đơn giản nhất để thu hồi tài sản là ra điều kiện Dương Thanh Cường phải trích 170 tỉ đồng từ 628 tỉ đồng để trả nợ cũ mới cho vay. Tại sao các bị cáo không làm?” - vị chủ tọa chất vấn.
Đại diện VKSND TP HCM phân tích sau khi thụ án 20 năm tù giam, từ năm 2006, Dương Thanh Cường về địa phương thành lập nhiều công ty, như: Thanh Phát, Tấn Phát, Bình Phát… Đáng chú ý, tất cả công ty do Cường thao túng đều có hợp đồng bảo lãnh hoặc vay vốn với Agribank CN 6. Nói cách khác, những DN trên hoạt động dưới hình thức “xoay vòng” nhằm vay tiền ngân hàng. DN cũ có nhiệm vụ bảo lãnh DN mới vay vốn. Điển hình, Công ty Bình Phát làm hợp đồng bảo lãnh cho Công ty Tấn Phát trong hồ sơ vay vốn…
Ngày 26.10, HĐXX tiếp tục làm việc.
Không đăng ký giao dịch bảo đảm
Trong phần xét hỏi, đại diện Agribank cho hay ngân hàng này không biết việc chi nhánh cho khách hàng mượn lại tài sản thế chấp nên không làm văn bản ngăn chặn gửi cơ quan chức năng và những ngân hàng khác. Agribank không đăng ký giao dịch bảo đảm việc cho vay 170 tỉ đồng mà chỉ đăng thông tin trên cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho các tổ chức tín dụng.
Trả lời HĐXX, đại diện Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) trình bày ngân hàng này không biết việc mảnh đất số 10 Âu Cơ đã bị cầm cố ở ngân hàng khác. Hồ sơ cho vay hợp lý, đúng quy định.
|
đại án, tham nhũng, Agribank, phiên xử,
Theo báo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo