Pháp luật

Vụ thảm sát ở Bình Phước: Chuyên gia xử án nhận định gì về hung thủ?

(DNVN) - "Với vụ thảm án này, tôi cảm thấy có rất nhiều điều bất thường, dường như hung thủ không nằm trong diện mà tôi từng hình dung qua thực tiễn xử án của mình".

Đó là nhận định bước đầu của ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, về vụ thảm sát ở Bình Phước.

Chia sẻ với Báo Pháp luật TP.HCM, ông Hùng nhận định: "Những kẻ thủ ác là ai? Tại sao chúng lại ra tay tàn độc, man rợ và phi nhân tính đến thế? Chúng có oán thù gì với gia đình nạn nhân hay đây chỉ đơn thuần là vụ giết người cướp của có tổ chức?... Quả thật, đến giờ những câu hỏi này không dễ trả lời".

Theo ông Hùng, bản thân ông đã từng ngồi ghế xét xử gần 30 năm, đối diện với hàng trăm bị can, bị cáo, ít nhiều ông cũng nhận diện, nắm bắt tâm lý tội phạm hàng chục dạng người. Tuy nhiên, với vụ thảm án này, ông cảm thấy có rất nhiều điều bất thường, dường như hung thủ không nằm trong diện mà tôi từng hình dung qua thực tiễn xử án của mình.

Cảnh sát đo đạc khá tỉ mỉ nơi tìm thấy những dấu vân tay của hung thủ. Ảnh: VNE.
Cảnh sát đo đạc khá tỉ mỉ nơi tìm thấy những dấu vân tay của hung thủ. Ảnh: VNE.

"Thông thường, nếu giết người với động cơ trả thù thì kẻ thủ ác chỉ nhắm vào một hay một vài nạn nhân có tư thù để họ ra tay. Có thể họ vẫn điều nghiên lịch trình, sinh hoạt của nạn nhân để chọn lựa thời điểm, địa điểm để thực hiện nhằm xóa bỏ dấu vết, tung tích của họ không bị phát hiện. Hoặc nếu họ thuê người ra tay thì cách thức (của đồng phạm thực hành) có lẽ cũng tương tự như thế. Đặc điểm chung của vụ giết người với động cơ trả thù thế này là dù họ có lên kế hoạch tỉ mỉ đến đâu thì vẫn có sơ suất, vẫn để lại những dấu vết mà nhờ nó cơ quan điều tra sẽ lần ra. Vụ Ngô Quang Trưởng thuê người “thanh toán” ông Đặng Xuân Sỹ ở TP.HCM hay vụ nguyên phó Ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy (Hà Nội) “giúp bạn” bằng cách đồng ý cho đồng phạm chỉ đạo đàn em “dằn mặt” nạn nhân là những ví dụ điển hình" ông Hùng nói.

Theo nhận định của ông Hùng, trường hợp giết người cướp của mà kẻ thủ ác chỉ là một người và địa điểm gây án là nhà của nạn nhân thì lại khác. Sau khi đột nhập vào nhà, hung thủ sẽ đụng đâu gây án đó, thấy ai là ra tay, sau đó lục tìm tài sản có giá trị và chuồn nhanh nhất. Có thể thấy tâm lý tội phạm dạng này qua vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang từng gây rúng động dư luận một thời.

Nếu là một nhóm hung thủ, có thể họ vẫn bàn bạc, phân công, phân nhiệm, vẫn điều nghiên địa hình để dễ bề ra tay. Nhưng một nhóm cướp thì tổ chức khó mà chặt chẽ, kế hoạch gây án khó mà hoàn hảo đến mức như kịch bản trong phim. Nghĩa là khi đột nhập vào nhà nạn nhân, chúng cũng sẽ gây án kiểu thấy đâu ra tay đấy, miễn sao khống chế, hạ gục nạn nhân trong thời gian nhanh nhất để cướp tài sản rồi tẩu thoát…

"Nhưng vụ thảm sát ở Bình Phước thì không như vậy. Tất cả nạn nhân đều bị sát hại trong tư thế bị trói và bị cứa cổ đến chết, kể cả cháu bé ở ngoài nhà, gần cổng. Án mạng xảy ra ngay khi gia đình nạn nhân có đông đủ nhất, trừ người giúp việc hôm đó về nhà. Đặc biệt, thời điểm gây án, toàn bộ camera trong nhà nạn nhân đang trong tình trạng không hoạt động (do nhà đang sửa chữa). Ngoài ra, có lẽ các nạn nhân bị khống chế gần như cùng một lúc (nên việc kêu cứu đã không có kết quả)", ông Hùng nhận định.

Hẳn bọn thủ ác phải điều tra, nghiên cứu, theo dõi sít sao gia đình nạn nhân đến độ nào; hẳn chúng đã lên kịch bản phạm tội tỉ mỉ, hoàn hảo đến từng chi tiết; hẳn chúng đã được phân công, phân nhiệm và được “chỉ đạo” ra tay sát hại các nạn nhân với cùng một cách thức man rợ giống nhau… Với kịch bản gây án hoàn hảo như thế, với cách thức “giết cùng, diệt tận” man rợ, dã man, tàn ác như vậy, tôi nghĩ rằng đây khó có thể là hành động của một băng cướp thông thường. Kẻ chỉ huy phải có trình độ, đầu óc khá cao, những người thực hiện phải là những kẻ máu lạnh và có khoái cảm phạm tội đến mức nào…

 

Với những đặc điểm gây án như trên, tôi nghĩ động cơ gây án không chỉ giới hạn ở việc nhắm vào tài sản. Tất nhiên, suy đoán cũng chỉ là suy đoán, vì điều gì cũng có thể xảy ra. Hy vọng những nghi vấn này sẽ được giải đáp trong thời gian sớm nhất, khi cơ quan điều tra đã tóm gọn những kẻ phạm tội man rợ, phi nhân tính này.

Cuối cùng, vị nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tin rằng, chẳng bao lâu nữa những kẻ thủ ác sẽ phải tra tay vào còng và đối diện với bản án nghiêm khắc nhất. "Có như thế mới phần nào an ủi được người thân của các nạn nhân, đáp ứng sự mong đợi mãnh liệt của người dân vào công lý", ông này chia sẻ.

Liên quan đến động cơ gây án, một điều tra viên cao cấp của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định: “Có thể thủ phạm có sự thù hằn, mâu thuẫn với nạn nhân (có thể là cạnh tranh trong làm ăn kinh doanh) vì nếu chỉ để đạt được mục đích là cướp tài sản thì không cần thiết phải giết người bằng cách mất thời gian như vậy, trói nạn nhân lại và cắt cổ từng người mà có thể dùng cách nhanh hơn như chém, đâm. Điều này chứng tỏ thủ phạm có sự thù hằn khi ra tay”.

Trước đó, như đã đưa tin, vụ trọng án bắt đầu từ việc sáng sớm ngày 7/7, bà Đoàn Thị Cẩm L. (SN 1975, người làm của nhà ông M.) đến gia đình của ông Lê Văn M. (SN 1968, ngụ tại ấp 2 – xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) để làm việc như bình thường. 

Khi ra cửa phía sau để đi vào nhà, bà Loan thấy cửa khóa trái bên trong. Chạy ra cửa phía trước, bà Loan thấy cửa khép hờ. Xông cửa chạy vào, bà L. thấy bên trong có nhiều vết máu loang lổ. Các nạn nhân Lê Văn M., Nguyễn Lê Thị Ánh N. (SN 1973, vợ ông Mỹ), Lê Quốc A. (SN 2000, con ông Mỹ), Dư Ngọc Tố N. (SN 1997, cháu của ông Mỹ), Lê Ánh L. chết ngay tại phòng ngủ. Cháu Dư Minh V. (SN 2001, cháu ông M.) nằm chết trước cửa nhà trong tư thế bị cắt cổ. 

 

Qua tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan Công an nhận định, có thể trước khi bị giết, giữa các nạn nhân và hung thủ đã xảy ra tình huống giằng co qua lại gay cấn. Hung thủ có thể đi với nhiều người, đã ra tay sát hại toàn bộ các thành viên trong cùng 1 gia đình chỉ trong 1 đêm. 

Hòa Hậu (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo