Pháp luật

Vụ thanh niên bị chém lìa tay: Nhóm côn đồ có bị điều tra tội giết người?

(DNVN) - Liên quan đến vụ việc nam thanh niên bị chém lìa tay, hiện nhà chức trách đang truy bắt nhóm nghi can liên quan để chuyển đổi tội danh từ Cố ý gây thương tích sang Giết người.

Theo tin trên báo NLĐ, sau gần 1 tuần điều trị tại bệnh viện 175, nạn nhân Bùi Huỳnh Thiên Phương (người bị chém lìa bàn tay trong vụ truy sát tối 6/3) đã tử vong vào rạng sáng 13/3. Nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não làm tổn thương não lan tỏa, phù não nặng khiến bệnh nhân hôn mê sâu.

Xác nhận với báo NLĐ, bà Nguyễn Thị Gái (44 tuổi, mẹ nạn nhân) cũng cho biết: “Phương tử vong sáng cùng ngày, gia đình đã đưa em về nhà lo hậu sự. Các y bác sĩ đã cứu chữa tận tình nhưng do vết thương trên đầu quá nặng nên cháu đã ra đi”.

Theo tin tức trên báo Zing.vn, liên quan đến vụ án, một điều tra viên Công an quận Gò Vấp (TP. HCM) cho biết, trước mắt cơ quan điều tra đã ra lệnh  bắt tạm giam Đỗ Tuấn Anh (tức Bé Long, 19 tuổi) cùng Nguyễn Hữu Thiện Long (16 tuổi) và Lâm Quang Thiện (18 tuổi) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.

Nạn nhân Phương đã tử vong. Ảnh: Zing.vn.

Cơ quan này cho biết, đang truy tìm Nam “mini”, Long, Minh, Bi, Hoàng. Sau khi bắt được những nghi can trên, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ vai trò của từng người và xem xét nguyên nhân tử vong của nạn nhân rồi chuyển đổi điều tra từ tội Cố ý gây thương tích sang tội Giết người.

Trao đổi với Zing.vn luật sư Nguyễn Anh Thơm -Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng nhà chức trách phải điều tra nhóm nghi can trên tội Giết người (theo Điều 93 Bộ luật Hình sự, quy định tại điểm a, n khoản 1) ngay từ đầu khi vụ án vừa xảy ra chứ không cần phải đợi khi nạn nhân tử vong rồi mới chuyển đổi tội danh

Bởi lẽ giữa hành vi chém đứt tay và nạn nhân bị ngã chấn thương sọ não có mối quan hệ nhân quả. Nhóm gây án buộc phải nhận thức việc dùng hung khí nguy hiểm chém nạn nhân là hành vi nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nghi can không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra... Hậu quả chết người xảy ra thì họ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tội Giết người.

Luật sư Thơm phân tích thêm, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, không liên quan đến mình mà Thiện đã rủ rê lôi kéo nhiều nghi can khác chuẩn bị hung khí để đi đánh trả thù truy sát nhóm đối thủ.

Hậu quả Phương bị chém đứt bàn tay và bị chém vào vùng trán, đỉnh đầu dẫn tới tử vong sau một tuần điều trị. Ngoài ra, các nghi can còn gây thương tích cho Nguyễn Văn Phong (18 tuổi). Hậu quả Phong không chết là ngoài ý muốn chủ quan của các nghi can. Do vậy, các nghi can phải chịu trách nhiệm về tội Giết người chưa đạt đối với hành vi chém nạn nhân này.

 

Hành vi chém người của các nghi can đã thể hiện tính côn đồ, hung hãn, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Do đó cần thiết phải xử lý nghiêm các nghi can về tội Giết người nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.

Luật sư Thơm nhận định, đây là một vụ án có nhiều nghi can tham gia. Các nghi can trong vụ án này buộc phải nhận thức việc mang theo 3 mã tấu là loại hung khí rất nguy hiểm khi tác động vào người khác sẽ dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả xảy ra đến đâu thì các nghi can phải chịu trách nhiệm chung đến đó.

Các nghi can trong vụ án này phạm tội có vai trò đồng phạm giản đơn. Riêng Quang Thiện giữ vai trò chính là người chủ mưu, nguyên nhân phát sinh vụ việc. Nghi can Tuấn Anh là người thực hành tích cực, là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân. Các nghi can khác đều phải chịu trách nhiệm đồng phạm giúp sức tùy theo tính chất mức độ tham gia…

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo