Vừa được phong di sản đã tính cách thu tiền
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) vừa được công nhận là di tích quốc gia, và sắp tới dự kiến sẽ được đầu tư thêm để thu hút khách du lịch. Nhưng thử bình tĩnh một chút để xem ruộng bậc thang Việt Nam ta đang nằm ở đâu trong toàn cảnh ruộng bậc thang thế giới?
Những thửa ruộng bậc thang ở Vân Nam lộng lẫy sắc màu khiến người xem sững sờ và nổi danh trên toàn cầu từ lâu. Chúng ta có thể tìm thấy trên mạng vô số những hình ảnh người dân ở đây canh tác nhiều loại cây trái khiến ruộng bậc thang của họ như một bảng màu rực rỡ đỏ, trắng, tím... chứ không chỉ có xanh hay vàng của lúa.
Còn ruộng bậc thang Banaue thì thực sự là tuyệt tác của bàn tay con người: nét đặc trưng của chúng là được đắp chênh vênh trên núi đá cao dốc, được viền bằng đá chứ không phải đa số là đất như ở Việt Nam và điều đáng ngạc nhiên nhất là hệ thống thuỷ lợi có thể dẫn nước ngược từ dưới thung lũng lên đỉnh núi, trong khi ruộng bậc thang của Việt Nam và nhiều nước khác chủ yếu lấy nước mưa hoặc dẫn vào từ khe suối.
Lịch sử ruộng bậc thang Banaue đã có từ 2.000 năm nay, chính vì vậy mà ruộng bậc thang Banaue đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới từ năm 1995.
Các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia... cũng đều có ruộng bậc thang với những vẻ đẹp làm nao lòng người, và đều khai thác làm thế mạnh du lịch từ rất lâu. Còn Banaue đã là điểm du lịch lừng danh của Philippines.
Trở lại Hà Giang, báo chí dẫn lời ông chủ tịch huyện Hoàng Hải Lý rằng sẽ cố gắng chỉ xây dựng đường bêtông nông thôn, tránh không bêtông hoá hệ thống tưới tiêu tại những khu vực ruộng bậc thang được phong di sản. Và chính quyền cũng muốn các công ty du lịch thu 1 USD/khách khi tới đây để trả cho người dân bản địa.
Điều này cho thấy định hướng của chính quyền địa phương với việc "phong di sản" và làm du lịch là quá đơn giản và viển vông.
Người dân ở Hoàng Su Phì nói riêng, cũng như những vùng có ruộng bậc thang nói chung ở Việt Nam còn rất nghèo. Họ cần được chăm sóc hơn nữa về cơm ăn, áo mặc, y tế, trường học, làm sao cho những con đường về bản không còn sạt lở, chứ không phải những thảm bêtông dẫn tới ruộng bậc thang. Còn ruộng bậc thang thì từ bao đời nay, dù được phong làm di tích hay không thì người dân vẫn xây dựng và bảo quản, bởi nếu không có nó thì lấy đâu ra lúa gạo mà ăn.
Còn khách du lịch đến với ruộng bậc thang thường là dân "tây ba lô" thích khám phá, họ không cần những con đường bêtông, mà cần một môi trường du lịch thân thiện, không chặt chém... Từ đó dịch vụ liên quan đến du lịch sinh sôi nảy nở như ăn uống, phòng trọ, các sản phẩm lưu niệm... chứ không phải là thu của mỗi khách thêm 1 USD.
Những cái này đã nói mãi rồi, nói hàng chục năm qua và chúng ta vẫn chưa làm được. Việt Nam ta, nói thẳng ra là các vẻ đẹp danh thắng mang tầm quốc tế không nhiều. May mắn là có những cảnh vật "trời ban cho" như vịnh Hạ Long, động Phong Nha... Còn những cái như ruộng bậc thang hay các bãi biển thì các nước khác cũng có. Chỉ có điều người Việt ta hay có tính ngồi ở nhà nghe một vài tờ báo nước ngoài ca ngợi cái gì đó của Việt Nam là bắt đầu " tự sướng" rằng mình nhất thế giới đến nơi rồi.
Vậy những cánh ruộng bậc thang của Việt Nam có thực sự đẹp không? Đẹp và rất có tiềm năng du lịch, cũng như nhiều bãi biển, thắng cảnh khác của đất nước. Nhưng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút khách du lịch thì thế giới, các nước láng giềng đã làm rất tốt, còn chúng ta vẫn chỉ "tự sướng" với việc phong di tích, di sản.
Theo Yahoo
End of content
Không có tin nào tiếp theo