Vực dậy suy thoái đạo đức xã hội chắc phải mất cả một thế hệ?
Trong xã hội hiện nay, khi kinh tế đang được cải thiện, đời sống người dân không còn cảnh “đói kém” như trước, tại sao hiện tượng “hôi của” vẫn tái diễn liên tiếp. Ngay cả đến những thứ đôi khi lại nhỏ bé vô cùng như những bông hoa người ta cũng cướp?.
Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng vấn đề không phải là kinh tế mà là đạo đức. Đó là lòng tham và sự vô cảm của con người đang lớn dần.
Lòng tham thì vô đáy. Ngày nay, có mấy ai đói ăn, thiếu mặc nữa đâu nhưng rõ ràng người ta vẫn tham, vẫn muốn vơ vét; thậm chí những thứ người ta không thể ăn, không thể mặc là những bông hoa cũng không nằm ngoài "tầm ngắm".
Sự việc hôi của không chỉ diễn ra một lần mà trái lại diễn ra ở bất cứ đâu trên khắp đất nước Việt Nam. Nguy hiểm hơn là hôi của đã len vào 1 bộ phận đội ngũ những trí thức như: công chức, giáo viên, bác sĩ,..
Từ cuối năm 2013 đến đầu 2014, chỉ khoảng thời gian đôi ba tháng mà những sự việc hôi của trắng trợn cứ liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là vụ hôi bia ở Đồng Nai, rồi đến hôi nhãn ở Quảng Bình, tiếp đến là hôi gạo ở Hải Dương, rồi hôi hoa ở ngay lòng thủ đô Hà Nội.
Đó là những hình thức "hôi của" công khai mà chúng ta nhìn thấy, còn biết bao cách thức hôi của, vơ vét âm thầm, kín đáo mà chúng ta chưa nhìn thấy?.
Nói như TS Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi người tham một cách khác nhau, bác sĩ tham bằng cách kê đơn thuốc ngoại, liều cao để ăn hoa hồng từ các hãng dược. Thầy cô giáo không giảng hết bài trên lớp để mở các lớp dạy thêm và ra đề thi mà chỉ những em đi học thêm mới có thể giải được. Công chức thì ăn cắp thời gian, thay vì làm 8 tiếng/ngày thì họ làm 6 tiếng, có khi còn ít hơn...Và vậy nên người nông dân, ít học hơn hẳn sẽ tham bằng cách phun thuốc sâu, thuốc kích thích,...Và những người không có cách nào khác thì nhặt nhạnh, như mấy bác ve chai thì lấy cắp từ đôi dép ngoài cửa, đến cưa cả cổng nhà người ta hay lấy ốc vít đường sắt để... bán sắt vụn.
Bên cạnh lòng tham là sự vô cảm. Nếu không vô cảm thì làm sao người ta có thể vơ vét, hôi của với chính những người bị nạn, thậm chí người ta còn thờ ơ thản nhiên "hôi của" của những bệnh nhân đang nằm vật vờ ở bệnh viện. Lòng tương thân, tương ái đã đi đâu mất hết rồi?.
Phải chăng đó là tâm thức cộng đồng, tâm lý bầy đàn, người ta lấy được thì dại gì mình không lấy đã hình thành những thói ăn nết ở đặc chất “giang hồ”, chỉ biết sao cho thỏa mãn nhu cầu bản năng. Đáng buồn là tâm thức cộng đồng đặc chất “giang hồ” đó vẫn tiếp tục tác động lên nếp nghĩ, nếp sống của người trẻ ngày nay. Đến nỗi ngôn ngữ cũng đầy bạo lực; nào là “máu lắm”, “thịt nó đi”, “xắt nó ra”,...
Phải chăng người ta đang quen dần với tình trạng xuống dốc của phẩm hạnh, để đến lúc những người lương thiện sẽ trở thành “sinh vật quý hiếm” trong xã hội?. Hẳn đó là một điều quá gay go cho sự tồn vong của cả một dân tộc. Hãy nhớ, từng có những đế chế vĩ đại trong quá khứ bị suy tàn chỉ vì vô lương và trụy lạc.
Nếu không sớm chấn chỉnh và thay đổi từ gốc rễ, tình trạng đánh mất phẩm hạnh ngày càng nghiêm trọng và chúng ta sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mai sau trong việc phục hồi lại những giá trị nhân văn đã mất.
Có lẽ bài học “phẩm hạnh chính là thứ để nuôi con người sống được trong muôn vàn khắc nghiệt” cần phải được giảng dạy lại từ trong gia đình, chòm xóm, trường học,...
Nói như đại biểu quốc hội Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM): Chúng ta có thể vực dậy kinh tế suy thoái trong 3 năm hoặc 5 năm nhưng vực dậy suy thoái đạo đức xã hội chắc phải mất cả một thế hệ.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo