Vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi chim bồ câu
Gia đình anh Kiều Văn Nam ở xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Được biết, năm 2009 anh xuất ngũ, trở về địa phương và tham gia sản xuất, làm kinh tế giúp đỡ bố mẹ.Lúc đó mới 22 tuổi đầu, anh luôn trăn trở và suy nghĩ làm sao để có thể thoát nghèo.
Ban đầu gia đình hướng cho anh đi học tiếng để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc nhưng sau vài lần thi thất bại anh quyết định sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 2015 anh quyết định vay tiền của ngân hàng chính sách để đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn. Nhưng thời gian đó, lợn rớt giá trầm trọng, bán lỗ nhiều nên kinh tế gia đình anh lại rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất. Nghĩ đến đây, anh càng thêm nản lòng. Nhưng nhờ sự tư vấn và giúp đỡ của một người bạn anh đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi chim bồ câu để vực lại kinh tế gia đình.
Anh Nam tâm sự: Ban đầu anh cũng rất lo lắng vì đây là mô hình tương đối mới ở địa phương, chưa có ai làm nên cũng rất khó khăn. Nhưng có người bạn thường xuyên động viên tinh thần và tư vấn nhiệt tình đồng thời cung cấp con giống và truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi nên anh cũng yên tâm phần nào. Tận dụng diện tích trang trại nuôi lợn cũ, anh chính thức bắt tay vào mô hình nuôi chim bồ câu từ giữa năm 2016, ban đầu anh mua chim giống của chính người bạn đó để về nuôi thử nghiệm, do không có nhiều vốn nên khởi điểm ban đầu chỉ có 50 đôi. Sau hai năm, dần dần qua quá trình tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ người bạn đến nay số lượng chim bồ câu của anh đã nhân giống và phát triển lên gần 500 đôi. Các giống chim bồ câu mà anh nuôi chủ yếu là giống chim Pháp và chim lai Pháp.
Hiện tại anh đang thực hiện nuôi chim theo hai hình thức nuôi lồng sắt công nghiệp và nuôi thả bầy đàn bằng việc quây lưới trong chuồng. Anh chia sẻ: mỗi hình thức nuôi này lại có ưu nhược điểm riêng.
Với hình thức nuôi lồng thì lượng thức ăn tiêu hao ít hơn và quản lý chim non được dễ hơn, nhưng việc phòng ngừa dịch bệnh lại phức tạp hơn. Còn với hình thức nuôi thả thì chim sẽ khỏe hơn, ít bệnh tật hơn nhưng lượng thức ăn tiêu hao sẽ nhiều hơn. Thông thường thức ăn mà anh sử dụng cho chim ăn chủ yếu là các loại ngũ cốc kèm theo một phần nhỏ cám công nghiệp. Anh cho biết thời gian từ lúc chim mới nở đến lúc bán chim thịt mất khoảng 25 ngày, còn bán chim giống mất khoảng 35 - 40 ngày, và thời gian để nuôi một con chim từ lúc nở đến lúc đẻ trứng mất khoảng 4 tháng.
Hiện tại mỗi đôi chim giống anh bán với mức giá 150 - 160 nghìn đồng/1 đôi. Với chim bán thịt anh chủ yếu giao cho các nhà hàng lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và khu vực Sóc Sơn, Hà Nội với mức giá khoảng từ 120 - 130 nghìn đồng/1 đôi. Với mức giá như vậy, trung bình mỗi tháng anh thu về từ 15 - 20 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả chi phí.
Ông Kiều Văn Sơn - Chi hội trưởng Chi Hội cựu chiến binh xóm Xuân Lai cho biết: Đây là một mô hình kinh tế tương đối mới ở địa phương đem lại thu nhập kinh tế cao và ổn định. Hiện tại, Hội luôn có những chương trình hỗ trợ giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế đặc biệt là những hội viên trẻ. Hiện tại cũng có một số hội viên trong chi hội đã đến học hỏi kinh nghiệm và mua chim giống của anh để phát triển theo mô hình này.
Dự định tương lai, anh Nam sẽ nhân giống và phát triển số lượng chim bồ câu của gia đình mình với quy mô lên đến khoảng 1000 đôi, đồng thời tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm đưa giống chim bồ câu của mình vươn xa hơn trên thị trường. Bên cạnh mô hình nuôi chim bồ câu, hiện tại anh đang thử nghiệm với mô hình nuôi ong và nuôi rắn hổ trâu hi vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Thu lãi 2 tỷ/năm nhờ mô hình nuôi chim trĩ đỏ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh