Vướng hàng loạt sai phạm, Chủ tịch Sầm Sơn vẫn được "tín nhiệm" thăng chức
(DNVN) - Việc thu hồi 24,1 ha đất rừng phòng hộ của nguyên Chủ UBND Sầm Sơn đã "vượt quyền" Thủ tướng Chính phủ, "qua mặt" UBND tỉnh Thanh Hóa để giao cho FLC chỉ là một trong hàng loạt sai phạm khiến người dân bức xúc.
"Vượt quyền" Thủ tướng Chính phủ
Để giao 24,1 ha đất rừng phòng hộ cho Tập đoàn FLC, ông Trịnh Huy Triều - Bí thư Thị ủy Sầm Sơn (nguyên chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn) đã tự ý chuyển đổi mục đích sử mà không có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để ngang nhiên "tiếp tay" cho sai phạm của FLC.
Theo tin tức trên báo Lao động, theo quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2013, đối với dự án đất rừng phòng hộ từ 20ha trở lên khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trình tự, thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2, Điều 68 Nghị định 43/2014 ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Vậy nhưng, để giao 24,1 ha đất rừng phòng hộ cho Tập đoàn FLC thực hiện đại dự án FLC Samson Beach & Golf Resort, ông Trịnh Huy Triều (thời điểm này là Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn) đã không thực hiện quy định trên.
Ngày 19/9/2014, ông Trịnh Huy Triều ký quyết định thu hồi 11ha đất rừng phòng hộ giao cho Tập đoàn FLC xây dựng sân golf 18 lỗ. Quyết định thu hồi này được thực hiện trên cơ sở QĐ uỷ quyền số 2847/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá.
Ngày 22/9/2014 - chỉ 2 ngày sau khi ký quyết định thu hồi 11 ha đất rừng nói trên, ông Triều ký tiếp QĐ số 1872/QĐ-UBND thu hồi 13,1 ha đất rừng phòng hộ giao cho Tập đoàn FLC thực hiện công trình resort trong khu du lịch sinh thái Quảng Cư. Quyết định này cũng viện dẫn QĐ uỷ quyền số 2748 của UBND tỉnh Thanh Hoá.
Điều đáng nói, trong quyết định số 2748 UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết chưa uỷ quyền cho UBND thị xã Sầm Sơn thu hồi đất phục vụ Dự án khu resort của FLC. Tuy nhiên ông Trịnh Huy Triều đã “vượt mặt” UBND tỉnh Thanh Hóa, làm trái thẩm quyền khi tự ý giao đất cho Công ty FLC tiến hành đầu tư xây dựng.
Đại dự án FLC Samson Beach & Golf Resort của Tập đoàn FLC là quần thể phức hợp nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn, resort và sân golf, nối liền nhau và cùng được triển khai thi công. Toàn bộ diện tích 24,1 ha rừng phòng hộ bị thu hồi nói trên cũng là một dải rừng liên tục chứ không tách rời. Thế nhưng ông Triều đã "xẻ đôi" trên giấy miếng đất này thành 11 ha và 13,1 ha.
“Sao chưa có uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, ông lại ra Quyết định số 1872 thu hồi 13,1 ha đất rừng?” - PV Lao Động hỏi. Ông Triều: “Thì cứ nghĩ hai dự án là một nên chỉ cần một quyết định uỷ quyền thôi!”. “Ông nghĩ 2 dự án là một, vậy tại sao ông phải ra 2 quyết định chỉ trong vòng 2 ngày để thu hồi 24,1 ha đất rừng?
Liệu có phải việc ra 2 quyết định thu hồi này để tránh việc xin ý kiến Thủ tướng?” - PV hỏi. Ông Triều giải thích không phải như vậy. Ông chỉ nhận mình sai sót trong việc chưa có uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh đã thu hồi 13,1 ha. Cách giải thích của ông Triều hoàn toàn mâu thuẫn. Phải chăng đó là cách “lách luật”, "vượt quyền" Thủ tướng Chính phủ?.
Theo đơn tố cáo của người dân vào cuối tháng 12/2015, báo Dân trí đã tiếp tục thông tin về việc ông Trịnh Huy Triều (thời điểm này là chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn) ký hợp đồng lao động với 50 trường hợp các công việc chuyên môn tại các phòng, ban thuộc UBND thị xã Sầm Sơn không công khai, minh bạch, vi phạm trình tự thủ tục về tuyển dụng, sử dụng lao động.
Nguyên chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều tuyển dụng một trường hợp lao động sai quy định. Ảnh báo Dân trí.
Sau khi nhận được đơn thư, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh, kết quả cho thấy, từ năm 2013 đến ngày 10/8/2015, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã ký hợp đồng lao động và tiếp nhận 45 trường hợp về làm việc tại các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thị xã. Trong đó, có 19 trường hợp ký lại, 26 trường hợp do ông Trịnh Huy Triều ký tiếp nhận, ký mới.
Cũng theo kết quả xác minh thì trong 45 trường hợp lao động nêu trên có 32 trường hợp ký hợp đồng 01 năm; 13 trường hợp ký tiếp nhận, ký không xác định thời hạn. Về công việc, có 05 trường hợp ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68 để làm các công việc như: bảo vệ, lái xe, sửa chữa điện nước và tạp vụ; 40 trường hợp ký hợp đồng làm công tác chuyên môn.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 30, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng quy định: Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn khi ký hợp đồng lao động chưa công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, số lượng. Kiểm tra sổ họp UBND thị xã không thể hiện nội dung họp bàn về việc này. Theo nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí, hầu hết những hợp đồng lao động được ký chủ yếu là con em cán bộ.
Trung tâm Văn hóa - Du lịch là đơn vị sự nghiệp có thu. Căn cứ điều 26, Quyết định 685/2007/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, thẩm quyền ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn ngoài chỉ tiêu biên chế được giao thuộc Giám đốc Trung tâm. Nhưng Chủ tịch UBND thị xã đã ký hợp đồng lao động đối với 8 trường hợp của Trung tâm Văn hóa - Du lịch là không đúng.
Thu vô tội vạ, "chặt chém" chủ ki ốt kinh doanh
Theo báo cáo số 1277/BC-TTTH, ngày 5/11/2015 về kết quả các minh nội dung tố cáo của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá cho thấy, trong năm 2014 và 2015, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã bắt buộc các chủ ki ốt kinh doanh trên bãi biển đóng góp vào ngân sách bằng việc ban hành các thông báo về các khoản thu nộp của các ki ốt trên khuôn viên bãi biển gồm: thuế, phí vệ sinh môi trường và các khoản đóng góp khác. Trong đó có "khoản thu đóng góp khác" mập mờ, không đúng theo các quy định của nhà nước.
Tại Thông báo số 600/TB-UBND ngày 24/4/2014 của ông Trịnh Huy Triều về thay đổi danh mục các khoản thu của các chủ ki ốt kinh doanh trên bãi biển. Sau khi nhận được thông báo trên, các chủ ki ốt băn khoăn về "khoản thu khác", thay vì chỉ có khoản thuế và phí vệ sinh môi trường như các năm trước.
Phiếu thu các khoản thu của hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã Sầm Sơn. Ảnh báo Gia đình Việt Nam.
Với thông báo này thì năm 2014, thị xã thu về hơn 2,1 tỷ đồng từ 42 ki ốt. Phần thu khác này được chia làm hai khoản thu: Thu đóng phúc lợi ngân sách thị xã là 1,505 tỉ đồng; thu đóng phúc lợi ngân sách phường, xã là 682 triệu đồng.
Ngày 25/5/2015, UBND thị xã Sầm Sơn tiếp tục ban hành Thông báo số 855/TB-UBND yêu cầu gần 50 chủ ki ốt phải đóng số tiền trên 12,5 tỉ đồng; trong đó khoản thu "đóng góp khác" là 2,35 tỉ đồng bao gồm đóng cho ngân sách thị xã 1,41 tỉ đồng, cho ngân sách phường, xã 940 triệu đồng. Chiếu theo thông báo này thì mỗi hộ kinh doanh ki ốt phải đóng "khoản thu đóng góp khác" dao động từ 30 đến gần 100 triệu đồng.
Theo báo cáo kết quả xác minh số 1277 của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thì "khoản thu đóng góp khác" thực chất đây là khoản thu của các chủ hộ kinh doanh phải nộp để được thuê ki ốt, nhưng dưới hình thức "các khoản thu đóng góp khác", không đúng với nội dung thu. Với việc các hộ kinh doanh ki ốt trên địa bàn phải đóng góp "khoản thu khác" theo thông báo của UBND thị xã Sầm Sơn đã vô tình tiếp tay cho nạn "chặt chém" du khách, vốn là vấn đề nhức nhối của ngành du lịch Sầm Sơn trong những năm qua.
Chỉ định dự án hàng chục tỷ đồng cho người thân
Dự án xử lý rác thải ở thị xã Sầm Sơn được ông Triều chỉ định cho doanh nghiệp của người thân. Ảnh: Lê Hoàng/Vnexpress.
Ngày 6/5/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án xử lý bãi rác thị xã Sầm Sơn với tổng mức đầu tư 26,2 tỷ đồng. Ban đầu, dự án được phê duyệt hình thức đấu thầu rộng rãi công khai trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đến ngày 9/6/2014, ông Trịnh Huy Triều đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch đấu thầu rộng rãi sang chỉ định thầu và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Báo Vnexpress thông tin.
Ngày 25/7/2014, ông Triều ban hành quyết định chỉ định cho Công ty CP Hoàng Kỳ (khu đô thị Đông Bắc Ga, TP Thanh Hóa) làm nhà thầu thi công. Dư luận sau đó bất bình và tố cáo người đứng đầu doanh nghiệp này là người thân của ông Triều, năng lực xử lý các dự án về môi trường còn hạn chế.
Báo cáo với cơ quan thanh tra, ông Triều thừa nhận, Giám đốc Công ty CP Hoàng Kỳ Trịnh Văn Thành là người cùng quê và có họ hàng xa với ông. Thực tế, doanh nghiệp Hoàng Kỳ chưa có kinh nghiệm thi công bất kỳ dự án về môi trường nào trước khi trúng thầu dự án trên.
Thêm vào đó, tại báo cáo số 1277/BC-TTTH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 05/11/2015 cho thấy vị tân Bí thư thị ủy Sầm Sơn đã mắc phải hàng loạt sai phạm mang tính "hệ thống" về quản lý và cần phải được tỉnh Thanh Hóa xử lý triệt để.
Danh sách nêu rõ tên ông Trịnh Huy Triều được "tín nhiệm cao" bầu vào danh sách Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư thị ủy Sầm Sơn.
Tuy nhiên, việc xử lý các cá nhân ông Trịnh Huy Triều không thỏa đáng ngược lại ông lại được "tín nhiệm cao" bầu giữ chức Bí thư thị ủy Sầm Sơn khiến cho dư luận không khỏi bất bình. Và với một lãnh đạo đừng đầu chính quyền Thị xã Sầm Sơn nhưng lại mắc phải quá nhiều sai phạm khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về năng lực quản lý của tân Bí thư này cũng như việc UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý triệt để những sai phạm trên để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. (!?)