Tin tức - Sự kiện

Vướng mắc trong thanh khoản hàng gia công, sản xuất xuất khẩu

Nhiều DN đang gặp vướng mắc trong việc thanh khoản tờ khai nguyên vật liệu NK để gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK). Nguyên nhân được cho là quy định hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của DN.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quy định thanh khoản tờ khai nhập SXXK chưa phù hợp với thực tế của các DN thủy sản. Khoản 2 Điều 35 Thông tư 194/2010/TT-BTC yêu cầu tờ khai NK trước, tờ khai XK trước phải thanh khoản trước. Trường hợp tờ khai NK trước nhưng do nguyên liệu, vật tư của tờ khai này chưa đưa vào sản xuất nên chưa thanh khoản được thì DN phải có văn bản giải trình với cơ quan Hải quan khi làm thủ tục thanh khoản.
 
Do đặc thù của việc chế biến XK thuỷ sản phải gom nguyên liệu từ nhiều nước trên thế giới để tích trữ, nguyên liệu cũng được thu gom theo mùa vụ sau đó sản xuất. Chính vì vậy sẽ có những tờ khai nhập trước nhưng chưa chắc đã sản xuất trước. VASEP đề nghị bỏ quy định về trường hợp giải trình để bớt đi thủ tục, giảm khối lượng công việc cho DN thuỷ sản và cơ quan Hải quan.
 
Lý giải thêm về những khó khăn gặp phải trong việc thanh khoản tờ khai SXXK, đại diện VASEP cho biết, quy định về việc tờ khai NK trước phải thanh khoản trước cũng có nghĩa tờ khai xuất trước thanh khoản trước sau đó đến tờ khai XK sau mới được thanh khoản.
 
Nếu hồ sơ thanh khoản của tờ khai XK trước chưa được thanh khoản thì hồ sơ thanh khoản của tờ khai sau vẫn chưa được xem xét. Vị này cho rằng, quy định này không thực tế và không phù hợp với DN thủy sản, dễ gây ùn tắc công việc theo dõi hoàn thuế, tồn đọng thuế khi hồ sơ thanh khoản của tờ khai sau đã hoàn thành trong khi hồ sơ thanh khoản tờ khai xuất trước chưa được thanh khoản.
 
Vướng mắc trong thanh khoản hàng gia công, SXXK cũng đang gặp phải ở các DN ưu tiên. Đại diện Công ty Samsung cho biết, Samsung là DN ưu tiên nên được phép nhập hàng trước mở tờ khai sau. Tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với nguyên tắc thanh khoản tờ khai nhập trước, xuất sau bởi Samsung là DN chế xuất. Vì vậy sẽ phát sinh trường hợp tờ khai xuất có trước tờ khai nhập.
 
Bên cạnh đó, đại diện Samsung cho rằng, theo Điều 44, Thông tư 196/2012/TT-BTC, công ty là DN chế xuất nên có đủ điều kiện áp dụng chế độ báo cáo hàng hóa tồn kho theo năm được lập theo từng mục đích sử dụng khi NK vào DN chế xuất. Do đó, đại diện Công ty này đề xuất thay vì thanh khoản hàng quý theo quy định, Samsung được phép báo cáo xuất-nhập-tồn mỗi năm một lần vào cuối năm tài chính, có đối chiếu với sổ kế toán và được chấp nhận dung sai với sổ kế toán là 10%. Việc cho phép dung sai với sổ kế toán sẽ khắc phục được khó khăn của việc đăng ký tỉ lệ hao hụt.
 
Theo đại diện Samsung, định mức nguyên liệu của sản phẩm thường xuyên thay đổi dẫn đến tỷ lệ hao hụt khác nhau. Nhà SXXK không thể xác định tỷ lệ hao hụt chính xác là bao nhiêu và định mức thì chỉ đăng ký một lần, nếu ngày nào cũng phải thay đổi dữ liệu thì không thể thực hiện được.
 
Vướng mắc trong việc thanh khoản tờ khai gia công, SXXK cũng đã được Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) ghi nhận. Theo đơn vị này, việc thanh khoản hiện nay còn chưa được cải tiến, DN phải thực hiện kê khai nhiều biểu mẫu, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
 
Để cải tiến một phần, Cục Giám sát quản lý về hải quan để nghị xử lý vấn đề này theo hai phương án. Phương án 1 thực hiện phân loại DN để thực hiện thanh khoản. Đối với DN chấp hành tốt pháp luật Hải quan chỉ phải nộp từ 1 đến 2 bảng biểu thay vì 10 bảng biểu như hiện nay. Thời gian xác nhận dự kiến còn 1 đến 3 ngày. Đối với DN khác thực hiện như quy định hiện hành.
 
Phương án 2, DN tự thực hiện thanh khoản và nộp kết quả cho cơ quan Hải quan, cơ quan Hải quan không thực hiện xác nhận thanh khoản. Việc kiểm tra kết quả thanh khoản của phương án 1 và 2 dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và kiểm tra xác suất để đánh giá quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan của DN.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo