Vượt quy hoạch cao su: Có tiền là trồng
Trong khi Bộ NN&PTNT khẳng không được phá rừng trồng cao su trái luật, đồng thời bộ này đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sẽ dừng không cho khai thác diện tích cao su vượt quá quy hoạch, thì địa phương khẳng định “có tiền là trồng không cần dựa vào quy hoạch nào hết”.
‘Không cần quy hoạch nào hết’
Ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Điện Biên là một tỉnh nghèo, nếu không trồng cao su thì không biết trồng cây gì.
“Chỉ cần có tiền là làm, cho tiền bao nhiêu chúng tôi làm bấy nhiêu, không cần dựa vào quy hoạch nào hay chỉ đạo nào hết”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, những dự án cao su này là do Ban chấp hành tỉnh ủy Điện Biên phê duyệt dựa trên điều kiện của địa phương.
Cao su là cây mang lại giá trị kinh tế cao. Theo quy hoạch của Thủ tướng, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000 ha cao su nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su cả nước đã là 915.000 ha, vượt hơn 100.000 ha (13%).
Cao su đã và đang được quy hoạch trồng tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc với tổng diện tích đến năm 2015 và 2020 gồm: Ba tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) nằm trong quy hoạch theo Quyết định 750, quy hoạch đến năm 2015 phát triển 57.500 ha. Trong đó Sơn La là 20.000 ha, Điện Biên 17.500 ha, Lai Châu 20.000 ha.
Bốn tỉnh vùng Đông Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ) chưa nằm trong quy hoạch theo Quyết định 750, quy hoạch của các tỉnh này đến 2015 phát triển khoảng 20.000 ha.
Như vậy, đã vượt quá mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ đến năm 2020 là 7.500 ha.
Trả lời vấn đề này, ông Sơn cho biết, “địa phương có điều kiện bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, với một tỉnh nghèo như Điện Biên thì không trồng cao su thì biết làm gì”.
Trong khi đó, tại các tỉnh Bắc Trung bộ, những năm qua một số tỉnh đã trồng vượt quy hoạch với số lượng 80.470ha. Nguyên nhân là do cao su tiểu điền phát triển vượt kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ 2009-2011 khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn).
Việc đưa nhiều vùng đất không phù hợp với cây cao su vào trồng cao su đã tạo nên những hệ lụy. Tại Bắc Trung bộ, sau hai cơn bão số 10 và 11, toàn vùng có hơn 10.000ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn không thể phục hồi.
Ông Cao Khoa, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, diện tích cao su ở Quảng Ngãi hiện nay không có nhiều mà chỉ đang trong giai đoạn làm thí điểm, chứ chưa cho triển khai.
Theo ông Khoa, phải thận trọng, vì nếu cây cao su không chịu được gió bão, quật cây gãy đổ thì sẽ gây thiệt hại cho người dân. Khi thực hiện quy hoạch Quảng Ngãi phải thuê chuyên gia tư vấn, trồng thử rồi mới lập quy hoạch.
“Quy hoạch này là do địa phương phê duyệt không cần thông qua Bộ. Tất nhiên, quy hoạch nào cũng phải dựa trên quy hoạch chung của quốc gia”, ông Khoa cho biết thêm.
Bộ nhận trách nhiệm, địa phương cũng liên đới
Trong chất vấn chiều 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát cho biết: Theo Quyết định số 750/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su ở Việt Nam, đến năm 2015 dự kiến nước ta sẽ có 800.000 ha nhưng đến ngày hôm nay nước ta đã có 910.000 ha.
Như vậy đã có hơn 100.000 ha được trồng vượt so với quy hoạch. Bộ trưởng thừa nhận con số này không hoàn toàn là trồng trên đất rừng hay do kết quả của việc phá rừng mà có rất nhiều diện tích trồng trên đất lâm nghiệp không có rừng và các loại đất nông nghiệp khác.
Bộ trưởng cho biết, tình trạng phá rừng trồng cao su trái phép đã được Bộ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và khẳng định không còn việc khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su nữa.
Bộ trưởng cũng thừa nhận chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng phải liên đới.
Mới đây, Đà Nẵng đã ra tay xử lý "chuyện kỳ quặc", xuất phát từ việc Sở Xây dựng cắt 5ha rừng phòng hộ quốc gia để lập dự án. Đà Nẵng đã ra quyết định thu hồi và xử phạt 50 triệu đồng. Đồng thời cũng truy trách nhiệm cơ quan quản lý trực tiếp là Sở NN&PTNT, mặc dù đơn vị này trả lời không biết gì.
Trước Đà Nẵng cũng đã có Đăk Lăk, Gia Lai đều có hành động tích cực, yêu cầu công an điều tra, đối với việc trồng rừng thay thế, thu hồi dự án trồng sai.
Ông Ngô Ngọc Sinh - Phó chánh văn phòng tỉnh Gia Lai cho biết, chưa thể kết luận diện tích cao su vượt quy hoạch là do địa phương hay Bộ NN&PTNT phê duyệt vì cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.
Trả lời báo Đất Việt mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết, quy hoạch cao su tới năm 2015 của Thủ tướng chỉ là quy hoạch chung. Diện tích cao su hiện tại vẫn chưa vượt quy hoạch của địa phương.
“Tôi được biết, quy hoạch cụ thể của các địa phương được xác lập trên cơ sở các yếu tố kinh tế-xã hội, điều kiện đất đai trên địa bàn”.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo