Vứt bỏ bánh chưng, gà luộc: Coi đồ ăn như rác là tội ác
Vứt hàng ngàn bánh chưng, gà luộc thì “Lãng phí quá… Trước kia khó khăn, miếng ăn được coi như miếng vàng thì giờ đây sao nỡ coi như phân rác!”
Nghe chuyện sau Tết, người Hà Nội đổ hàng ngàn chiếc bánh chưng cùng gà luộc cả con vào thùng rác khiến Lê Lựu- "nhà văn của nông dân” nức nở gạt nước mắt: Lãng phí quá!
“Có lần tôi sang Mỹ, người ta mời tôi dùng bữa tối. Sau bữa ăn trên bàn thừa chút thịt, chút canh hầm, thấy chủ nhà vun vén lại tôi nghĩ hộ đem đổ cho chó. Hóa ra họ đem gói cất cẩn thận, sáng sau mang ra hâm lại để dùng tiếp…Nước giàu họ còn sống thiết thực là vậy, huống hồ một nước vẫn còn nhiều người nghèo như chúng ta… ”, Lê Lựu nói.
Tội lỗi…
Theo nhà văn, mỗi dân tộc đều có quan niệm sống khác nhau. Người Việt từ xưa tới nay thường tâm niệm làm 10 đồng thì chỉ dám tiêu 1 xu. “Chúng ta xuất thân từ nền văn hóa nông nghiệp, người nông dân vốn hay lam hay làm lo vun vén tiết kiệm mà giờ đây nỡ đem đổ bánh chưng, gà luộc cả con vào thùng rác… thì không phải là người Việt nữa rồi…”, Lê Lựu lắc đầu buồn bã.
Ngẫm lại cũng là do thời cuộc thay đổi, nhà văn già nói: “Mở cửa hội nhập, kinh tế có khá lên chút ít, người Việt lại có tính sĩ diện, máu ra oai, đua đòi, cái gì cũng phải to, phải nhiều, cái gì cũng phải chứng tỏ ta đây hơn người..... Các cụ nói “trưởng giả học làm sang” cũng là vậy, cái gì cũng cố lên hơn người, không cần để ý có dùng hết không, ăn hết không…”
Theo Lê Lựu, bánh chưng, con gà được cho là những nông phẩm quý báu, không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. “Ngày xưa đói kém, quanh năm chỉ mong tới 3 ngày tết để được ăn bánh chưng, thịt gà…còn bây giờ điều kiện kinh tế khá hơn, mâm cơm gia đình ở đô thị ngày nào cũng như Tết nên dân chúng cảm thấy thờ ơ lắm…” , ông nói.
Tuy nhiên, dẫu cuộc sống của người dân có khá giả hơn xưa là mấy thì nhà văn cũng không thể tin những nông phẩm quý báu trên lại bị cho vào thùng rác không thương tiếc. “Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy hàng ngàn bánh chứng, gà luộc cả con bị vứt đi. Để rơi một hạt cơm còn có tội với trời với đất huống chi… Thật không thể chịu đựng được sự phung phí của cải một cách thiếu văn hóa. Đó là cách hành xử của những người không biết quý trọng thành quả lao động”, Lê Lựu nhấn mạnh.
Kể về “thời xa vắng”, ông nấc nghẹn: Mỗi khi bưng bát cơm, mọi người ai cũng biết nâng niu gìn giữ, nếu có lỡ đánh rơi hạt cơm ra chiếu cũng tìm cách nhặt lại bởi người dân Việt vốn coi thức ăn là của "ngọc thực", phung phí thức ăn là tội lỗi vô cùng. Không chỉ có lỗi với trời đất mà còn có lỗi với ông bà, tổ tiên, vơi cha mẹ, chú bác mình, với những người lao động. "Ấy vậy mà bây giờ người ta đem cả bánh chưng, gà luộc cả con vào thùng rác. Sao họ không nghĩ tới những lúc khó khăn, miếng ăn được coi là miếng vàng thì giờ đây, cho dù đất nước đã đổi thay, song cuộc sống nhiều nơi cũng còn khó khăn , tại sao đã nỡ coi thức ăn như phân rác?"
Lại nhớ thuở cơ cực…
Nếu ai muốn biết, muốn thấm thời đất nước còn cơ cực thì hãy tới gặp Lê Lựu. Mỗi lần nhắc tới chuyện cũ, người xưa, ký ức về thời khốn khó chất chồng lại được xổ then ùa về nhà văn già qua những dòng nước mắt.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo tỉnh Hưng Yên, Lê Lựu đã phải trải qua nhiều cái Tết nghèo khổ từ thời còn “cởi truồng” tới lúc trưởng thành. Thời gian đó, quanh năm suốt tháng, ông cùng gia đình chỉ biết đến ngô, khoai, sắn, sau nữa là hạt bo bo. "Trong ba ngày Tết, những đứa trẻ như tôi không mong đợi gì hơn ngoài bát cơm trắng, chứ cũng chưa dám mong được ăn no".
Thời đất nước mới hòa bình, cảnh khốn khó vẫn đeo bám ám ảnh Lê Lựu: “Tôi có một ông bạn bộ đội, sau 20 năm gặp nhau anh bảo về nhà ăn cơm. Mâm cơm bưng lên vỏn vẹn một đĩa thịt gà. Thấy lũ trẻ con chỉ biết bâu quanh nhòm qua khe dại thòm thèm, tôi trách anh bạn sao không bảo các cháu vào ăn cùng thì anh xua tay: “Chúng nó ăn cả rồi anh ạ”. Anh vừa dứt lời thì bên ngoài có tiếng trẻ vọng vào: “Mang lên hết rồi còn đâu mà ăn”…Nghĩ lại lúc ấy đứa nào được cho cái chân gà mà gặm thì cũng lấy làm sung sướng lắm rồi…”
Kể tới đây, Lê Lựu lại bùi ngùi nhắc lại: “những ngày đói khổ miếng ăn được coi như vàng, còn giờ đây thì…”. Rồi ông như nổi cáu: “ Cứ đưa những người vứt bánh chưng, gà luộc cả con, quay trở về thời kỳ đói khát thì họ mới biết quý lương thực thực phẩm như thế nào”.
Cuối cùng, nhà văn của nông dân nhắn nhủ: “Các cụ nhà ta vẫn khuyên: Học ăn, học nói học gói học mở, học cách chi tiêu cho thiết thực, dùng tới đâu sắm tới đó, chứ không phải phung phí sắm cho oai…”
Theo VietQ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Loạt sự kiện, lễ hội đặc sắc chào đón Tết Ất Tỵ 2025
Sẽ tăng mức giảm trừ vì CPI đã tăng gần 16%
Đại học Đông Á trao 330 vé xe Tết cho sinh viên khó khăn miền Trung - Tây Nguyên
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện
Bảng lương giáo viên 2025 khi không tăng lương cơ sở
Những điểm mới của sổ đỏ có mã QR?
Cột tin quảng cáo